Hệ thống quản lý đề tài khoa học theo phân cấp hành chính (nhà nước – bộ – cơ sở) đã bộc lộ nhiều hạn chế, dù từng phù hợp với điều kiện tổ chức trước đây. Những bất cập này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một mô hình quản lý khoa học mới, hiệu quả và linh hoạt hơn, theo kịp thông lệ quốc tế và gắn kết chặt chẽ với nhu cầu phát triển của đất nước.
Một trong những hạn chế lớn nhất là cơ chế vận hành theo mệnh lệnh từ trên xuống. Điều này khiến quy trình xét duyệt và triển khai đề tài trở nên chậm chạp, thiếu linh hoạt, không đáp ứng kịp thời các vấn đề mới phát sinh hoặc đòi hỏi sự phối hợp liên ngành. Bên cạnh đó, việc xây dựng đề tài thường bị chi phối bởi các chỉ tiêu hành chính, thay vì xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội và doanh nghiệp.
Sự phân chia theo cấp và lĩnh vực quản lý cũng dẫn đến tình trạng nguồn lực nghiên cứu bị phân tán, trùng lặp và thiếu sự điều phối tổng thể. Điều này làm nảy sinh nhiều đề tài nhỏ lẻ, không đủ sức tạo ra những đột phá lớn. Thêm vào đó, hệ thống đánh giá đề tài hiện nay còn mang tính hình thức, tập trung vào các báo cáo và số lượng công bố hơn là chất lượng khoa học thực sự hoặc khả năng ứng dụng vào thực tế.
Cuối cùng, mô hình quản lý hiện tại chưa tạo đủ động lực để thu hút và giữ chân các nhà khoa học tài năng, đặc biệt là những người trẻ hoặc có kinh nghiệm quốc tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ghi nhận những phân tích sâu sắc này và thừa nhận mô hình phân cấp hành chính trong quản lý đề tài KH&CN (cấp nhà nước, cấp bộ, cấp cơ sở) còn tồn tại những bất cập. Sự phân mảnh theo ngành, theo cấp quản lý dễ dẫn đến phân tán nguồn lực, chưa thực sự bám sát nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và địa phương, đồng thời thiếu động lực đổi mới và cạnh tranh trong nội bộ hệ thống nghiên cứu.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ đang xây dựng và đề xuất mô hình quản lý KH&CN theo hướng tích hợp, linh hoạt và định hướng theo các nhiệm vụ lớn. Mô hình mới này sẽ chuyển từ “phân cấp hành chính” sang “phân quyền theo năng lực thực hiện và nhu cầu thực tế”, tăng tính tự chủ cho các đơn vị nhưng vẫn đảm bảo cơ chế giám sát minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng.
Định hướng nhiệm vụ KH&CN sẽ tập trung vào các bài toán lớn, với kết quả nghiên cứu gắn liền với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Bộ khuyến khích cơ chế đồng tài trợ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và địa phương để đảm bảo nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế và có đầu ra cho sản phẩm. Quản lý đề tài sẽ được thực hiện theo chuỗi giá trị, tập trung vào tác động thực tiễn và khả năng thương mại hóa, thay vì chỉ dựa trên số lượng công bố khoa học (trừ các đề tài nghiên cứu cơ bản thuần túy).
Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm đến việc thu hút và giữ chân các nhà khoa học tài năng. Việc duy trì mô hình hành chính cứng nhắc trong tổ chức nghiên cứu và đánh giá kết quả đã gây trở ngại cho các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học Việt kiều hoặc quốc tế muốn đóng góp cho đất nước. Do đó, trong quá trình sửa đổi Luật KH&CN và các văn bản hướng dẫn, Bộ đang mở rộng cơ chế tuyển chọn công khai, đa dạng nguồn lực, khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Bộ cũng tạo hành lang pháp lý để các trung tâm xuất sắc, tổ chức KH&CN ngoài công lập và các mô hình viện nghiên cứu công tư được tiếp cận nguồn lực một cách công bằng. Cơ chế khoán sản phẩm cũng sẽ được thúc đẩy, giúp tăng thu nhập thực tế cho đội ngũ nghiên cứu dựa trên kết quả nghiên cứu.
Những thay đổi này thể hiện cam kết của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc đổi mới thể chế và phương thức quản lý KH&CN, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Admin
Nguồn: VnExpress