Tại Melbourne, Australia, Brielle Pope và con gái Evie sống trong một căn hộ chật chội, nơi làm việc của Brielle đồng thời là không gian sinh hoạt của cả hai mẹ con. Khi Evie lớn hơn, Brielle chuyển cũi của con từ phòng mình ra và kê thêm một chiếc giường đơn.
Căn phòng nhỏ bé chứa đầy đồ chơi, tủ kệ cao chất ngất. Brielle kê thêm một chiếc bếp nhỏ vào đó. Vì không đủ không gian cho máy giặt, bà mẹ đơn thân này phải tắm cho con trong nhà vệ sinh chật chội và giặt quần áo bằng tay. Họ thậm chí không có nổi một chiếc bàn ăn.

Điều khiến Brielle lo lắng nhất là những thiết kế không an toàn trong căn hộ. Tay cầm lò nướng nằm vừa tầm với chiều cao của Evie, và khoảng cách giữa các thanh chắn lan can quá rộng. Cô luôn lo sợ những chi tiết này có thể gây ra tai nạn cho con.
Brielle chia sẻ rằng mỗi khi nấu ăn, cô phải luôn để mắt đến cả bếp và con gái. Có lần, thang máy bị hỏng cả tháng, cô phải bế con và dắt chó leo bộ lên căn hộ ở tầng 11.
Câu chuyện của Brielle phản ánh một thực tế đáng lo ngại tại Australia, nơi các căn hộ siêu nhỏ đang nở rộ. Theo số liệu từ Cục Thống kê Australia (ABS), số lượng người sống trong căn hộ đã tăng gần 60% trong 10 năm qua, vượt xa tốc độ tăng trưởng của nhà ở và biệt thự. Những căn hộ này, thường được gọi là “căn hộ hộp giày”, có diện tích dưới 20m2 và được thiết kế tối giản để tận dụng tối đa không gian.
Xu hướng “căn hộ hộp giày” cũng phổ biến ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hong Kong là một ví dụ điển hình, nơi giá bất động sản thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo thống kê, hơn 220.000 người dân Hong Kong đang sống trong các căn hộ chia nhỏ và phòng hộp giày, với diện tích trung bình chỉ từ 10 đến 15m2.
Nhu cầu nhà ở tăng cao đã thúc đẩy sự phát triển của hàng nghìn căn hộ siêu nhỏ, phần lớn được tạo ra bằng cách cải tạo các tòa nhà cũ. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong đã cảnh báo rằng tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn và vệ sinh.
Lam, một bà mẹ đơn thân 40 tuổi, đang sống cùng con trai 7 tuổi trong một căn hộ chia nhỏ rộng 11m2 ở Hong Kong. Không gian sống chật hẹp đến mức bếp, phòng tắm và khu giặt giũ phải chen chúc nhau. Cô phải giặt quần áo bằng tay vì không có chỗ cho máy giặt. Căn phòng không có cửa sổ khiến không khí trở nên ngột ngạt, đặc biệt là vào mùa hè.
Lam kể rằng cô thường xuyên phải khom lưng giặt quần áo trong nhà vệ sinh chật chội, khiến lưng đau nhức và chân tê cứng. Nhiều hôm, cô không dám nấu ăn vì bếp quá nhỏ, đành phải mua đồ ăn bên ngoài. Ước mơ làm bánh của Lam cũng phải gác lại vì thiếu không gian.
“Cuộc sống như thế này khiến tôi luôn căng thẳng, không dám nghĩ đến việc vui chơi cùng con, chỉ biết cố gắng chịu đựng,” Lam tâm sự.
Ông Alan Din Wai-bun, giảng viên xã hội học tại Đại học Trung văn Hong Kong, nhận định rằng không gian sống chật hẹp gây ra áp lực lớn cho những người chăm sóc chính trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ.

Họ thường xuyên phải đối mặt với không khí ngột ngạt, tiếng ồn và sự thiếu riêng tư, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần. Một người mẹ tham gia triển lãm của tổ chức Social Work Dream, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động vì cộng đồng tại Hong Kong, chia sẻ rằng con chị không thể ngủ ngon vì tiếng ồn từ hàng xóm. Mỗi khi chị nhắc nhở, họ lại có những lời lẽ khó nghe, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Trong bối cảnh đó, các thành phố lớn vẫn đang chạy đua để tăng mật độ xây dựng. Nghiên cứu của Cục Thống kê Australia cho thấy khoảng 1/5 hộ gia đình ở Sydney và 1/20 ở Melbourne đang sống trong các căn hộ chung cư. Nhiều người chấp nhận cuộc sống chật chội vì không đủ khả năng mua nhà đất, nhưng không ít người phải chịu đựng tình trạng này trong thời gian dài.
Phó giáo sư Fiona Andrews của Đại học Deakin (Australia) cho biết rằng các loại hình nhà ở đô thị hiện nay thường không đáp ứng được nhu cầu của các gia đình.
“Chúng tôi từng phỏng vấn những người mẹ phải cất đồ ăn dưới gầm giường, kê bàn ăn ngoài hành lang hoặc cho con ăn trên sofa vì không còn chỗ,” bà nói. Các khảo sát cũng chỉ ra rằng nhiều trẻ em lớn lên trong không gian thiếu ánh sáng và chật chội, dẫn đến việc ít vận động và khó phát triển.
Ông Stuart Ayres, giám đốc Viện Phát triển Đô thị Australia (UDIA), cảnh báo rằng các căn hộ 3-4 phòng thường có giá quá cao so với nhà mặt đất ở ngoại ô. “Điều này khiến các chủ đầu tư e ngại, còn người mua thì không đủ tiền,” ông nói. UDIA kêu gọi chính quyền tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đưa ra các ưu đãi để khuyến khích các nhà phát triển xây dựng những dự án nhà ở thân thiện với gia đình.
Đối với những người mẹ như Brielle và Lam, giấc mơ giản dị nhất là có đủ không gian để con cái vui chơi và có một căn phòng riêng để cả gia đình có thể nghỉ ngơi thoải mái. “Tôi vẫn đang chật vật từng ngày để con được sống thoải mái hơn,” Brielle chia sẻ.
Admin
Nguồn: VnExpress