Tác hại khi ăn thực phẩm chế biến từ dầu chăn nuôi?

**Sự khác biệt giữa dầu ăn chăn nuôi và dầu ăn cho người, và những nguy hại tiềm ẩn khi sử dụng sai mục đích**

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CK1 Bùi Hoàng Bích Uyên, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP HCM.

Dầu ăn dùng cho chăn nuôi bị biến thành thực phẩm sử dụng cho người. Ảnh: VTV
Dầu chăn nuôi “biến hình” thành dầu ăn: Nguy cơ từ thực phẩm bẩn. Ảnh: Internet

Dầu ăn sử dụng trong chăn nuôi là các loại dầu thực vật được thêm vào thức ăn cho vật nuôi. Thông thường, đây là dầu thô, mới ép hoặc chưa kịp tinh chế, do đó không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và dinh dưỡng cho người sử dụng.

Vậy, dầu ăn chăn nuôi khác biệt như thế nào so với dầu ăn cho người? Sự khác biệt nằm ở tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và mục đích sử dụng, xuất phát từ sự khác biệt về cơ chế sinh học và khả năng chịu đựng giữa người và vật nuôi.

Nguồn gốc của dầu ăn cho người phải từ hạt và quả sạch, không bị mốc hay nhiễm độc tố. Ngược lại, dầu ăn chăn nuôi thường sử dụng các loại hạt không đạt tiêu chuẩn hoặc các phụ phẩm từ quá trình sản xuất dầu ăn cho người.

Dầu ăn cho người trải qua nhiều công đoạn tinh luyện như khử mùi, màu, axit tự do và các chất độc hại để đạt độ tinh khiết cao, tuân thủ các chỉ tiêu an toàn nghiêm ngặt, đảm bảo hàm lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức rất thấp hoặc không có. Trong khi đó, dầu ăn chăn nuôi có thể chỉ được xử lý sơ bộ hoặc không tinh luyện, miễn là đạt tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi, với các chỉ tiêu an toàn ít khắt khe hơn và chấp nhận hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn, miễn không ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi.

Ngoài ra, dầu ăn cho người không được chứa các vi sinh vật gây bệnh như E.coli, Salmonella và có thể được bổ sung vitamin A, D, E. Dầu ăn chăn nuôi lại có khả năng nhiễm vi sinh vật cao hơn và chỉ cần cung cấp năng lượng mà không cần bổ sung vi chất.

Sử dụng dầu ăn chăn nuôi để chế biến thực phẩm cho người là một hành động vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe.

**Những tác hại khi sử dụng dầu ăn chăn nuôi để chế biến thực phẩm:**

* **Nguy cơ ung thư:** Dầu kém chất lượng hoặc tái sử dụng nhiều lần có thể chứa các hợp chất độc hại như aflatoxin, acrylamide và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs), có khả năng gây đột biến tế bào và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
* **Suy gan, suy thận:** Các tạp chất như kim loại nặng (chì, cadimi, thủy ngân) và các chất oxy hóa độc hại sinh ra do nhiệt (acrolein, aldehyde) có thể tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương gan, thận, hệ thần kinh và xương.
* **Bệnh tim mạch:** Dầu kém chất lượng có thể chứa nhiều chất béo xấu và các hợp chất oxy hóa, làm tăng mức cholesterol xấu (LDL) và giảm mức cholesterol tốt (HDL), từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, cao huyết áp và đột quỵ.
* **Rối loạn chuyển hóa:** Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc tiêu thụ dầu kém chất lượng có thể dẫn đến tăng men gan (dấu hiệu của tổn thương gan) và kháng insulin, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
* **Vấn đề tiêu hóa:** Các chất cặn bã và tạp chất trong dầu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và ruột, dẫn đến viêm dạ dày, viêm ruột và khó tiêu.
* **Suy yếu hệ miễn dịch:** Sử dụng dầu ăn kém chất lượng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh mãn tính hơn.

Việc sử dụng dầu ăn đúng mục đích và đảm bảo chất lượng là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *