Chế độ thai sản mới cho nam giới có BHXH từ 1/7

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, đã mở rộng đáng kể chế độ thai sản, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả lao động nam và nữ, bao gồm cả những người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Đối với lao động nam tham gia BHXH bắt buộc, chính sách mới nới rộng thời gian nghỉ thai sản lên đến 60 ngày kể từ khi vợ sinh con, thay vì 30 ngày như quy định trước đây. Người lao động có thể chia số ngày nghỉ này thành nhiều đợt, miễn sao tổng số ngày nghỉ không vượt quá quy định và lần nghỉ cuối cùng phải diễn ra trong vòng 60 ngày đầu sau khi vợ sinh.

Số ngày nghỉ cụ thể vẫn được giữ nguyên như trước: 5 ngày làm việc nếu vợ sinh thường; 7 ngày làm việc nếu vợ sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi (nếu sinh ba trở lên, được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con, tính từ con thứ ba trở đi); và 14 ngày nếu vợ sinh đôi phải phẫu thuật (tương tự, nếu sinh ba trở lên phải phẫu thuật, nam giới được nghỉ thêm 3 ngày làm việc cho mỗi con, tính từ con thứ ba trở đi).

Đối với lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc, luật sửa đổi tăng gấp đôi thời gian nghỉ đi khám thai, lên thành hai ngày cho mỗi lần khám thay vì một ngày như trước, không còn phân biệt về vị trí địa lý hay tình trạng sức khỏe của thai nhi. Trước đây, quy định nghỉ hai ngày chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, lao động nữ phá thai do bệnh lý hoặc ngoài ý muốn cũng sẽ được hưởng chế độ thai sản, thay vì chỉ áp dụng cho trường hợp phá thai bệnh lý như trước đây.

Chính sách mới cũng điều chỉnh số tuần tuổi của thai nhi để tính số ngày nghỉ cho lao động nữ trong trường hợp không may gặp vấn đề. Cụ thể, lao động nữ sẽ được nghỉ 40 ngày nếu thai từ 13 đến dưới 22 tuần tuổi; và 50 ngày nếu thai từ 22 tuần tuổi trở lên. Luật hiện hành quy định thời gian nghỉ này áp dụng cho thai dưới 25 tuần tuổi.

Luật sửa đổi cũng bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng vào diện tham gia BHXH bắt buộc, đồng nghĩa với việc họ sẽ được hưởng chế độ thai sản. Các nhóm này bao gồm người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ một tháng trở lên (kể cả khi hợp đồng được gọi bằng tên khác nhưng vẫn thể hiện bản chất của việc làm trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên); chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; các chức danh quản lý tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, hợp tác xã; người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; người làm việc không trọn thời gian; và công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng không xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.

Cặp vợ chồng đón con trai chào đời ngày 1/1/2023 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Ảnh: Mỹ Ý
Chào đón bé trai đầu năm 2023 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Ảnh: Internet

Mức đóng vào Quỹ Ốm đau thai sản của nhóm chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, đại diện phần vốn nhà nước, và chức danh quản lý được bầu của hợp tác xã là 3% tiền lương làm căn cứ tham gia BHXH mỗi tháng. Các nhóm còn lại do chủ sử dụng trích đóng với cùng tỷ lệ.

Đáng chú ý, lần đầu tiên, chế độ trợ cấp thai sản được áp dụng cho cả lao động nữ sinh con và lao động nam có vợ sinh con tham gia BHXH tự nguyện. Điều kiện là người đó phải đóng BHXH tự nguyện hoặc có thời gian tham gia ở cả hai khu vực bắt buộc và tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con. Mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con sinh ra, do ngân sách nhà nước chi trả. Mức trợ cấp này có thể được Chính phủ điều chỉnh tùy theo điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách.

Trong trường hợp chỉ có mẹ đóng BHXH mà không may qua đời sau khi sinh, cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng sẽ được hưởng khoản trợ cấp này. Nếu cả cha và mẹ đều đóng BHXH thì chỉ một trong hai người được hưởng trợ cấp thai sản. Nếu người lao động vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản theo diện BHXH tự nguyện, vừa đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo diện BHXH bắt buộc thì sẽ được hưởng theo chế độ của BHXH bắt buộc. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản BHXH bắt buộc và cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản BHXH tự nguyện, thì mỗi người sẽ được hưởng chính sách của khu vực mà họ tham gia.

Tính đến hết năm 2024, số lượng người lao động tham gia BHXH đạt 20 triệu, tương đương 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, có 17,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 2,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *