Sau khi sáp nhập, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM nhận thấy không chỉ hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn mà còn mở ra những cơ hội phát triển mới. Ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc công ty Du lịch Việt, cho biết công ty đang tập trung rà soát, đổi mới các chương trình tour cũ, điều chỉnh tên địa danh và xây dựng các sản phẩm liên kết vùng. Việc quản lý tập trung giúp ngành du lịch dễ dàng kết nối, khai thác thông tin và xử lý thủ tục một cách thuận tiện hơn.
Theo ông Vũ, trước đây, việc tổ chức tour liên tuyến gặp nhiều khó khăn do phải xin phép ở nhiều địa phương khác nhau như TP.HCM, Bình Dương, Vũng Tàu. Nay, quy trình này đã trở nên thuận lợi hơn nhiều.
Ngày 1/7, Việt Nam chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập. Trong đó, TP.HCM sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính của Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, đánh giá việc sáp nhập ba địa phương này sẽ tạo ra một “siêu đô thị phát triển kinh tế – du lịch” với nhiều tiềm năng khai thác. Sự đa dạng tài nguyên du lịch là một lợi thế lớn, khi TP.HCM mạnh về du lịch đô thị, MICE, văn hóa – ẩm thực và sự kiện quốc tế; Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh và casino – sân golf; còn Bình Dương có du lịch công nghiệp, làng nghề và sinh thái ven sông.
Trong giai đoạn đầu sáp nhập, ngành du lịch TP.HCM sẽ ưu tiên ba nhiệm vụ chính: hoàn thiện bộ máy Sở Du lịch, điều chỉnh quy chế làm việc, đồng bộ dữ liệu để điều phối hoạt động một cách nhịp nhàng, và rà soát, tham mưu điều chỉnh các thủ tục hành chính liên quan. Sở cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng và công bố các sản phẩm theo trục chủ đề, tái định vị thương hiệu du lịch thành phố, đồng thời đẩy mạnh truyền thông quảng bá điểm đến và các sản phẩm mới.

Bà Hoa nhấn mạnh rằng hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là khi sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đi vào hoạt động, thời gian di chuyển từ các địa phương lân cận như TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Dương sẽ rút ngắn xuống còn 30–45 phút. Điều này cho phép du khách quốc tế có thể đến thẳng các khu nghỉ dưỡng ven biển mà không cần phải di chuyển qua trung tâm thành phố.
Hệ thống cao tốc mới như TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành và TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành cũng sẽ tăng cường kết nối giữa miền Tây, TP.HCM, Bình Dương và khu vực ven Biển Đông.
“Lợi thế hạ tầng sẽ mở ra cơ hội phát triển các tour ngắn ngày, city break, chuyến nghỉ cuối tuần và khai thác mô hình du lịch theo hành lang giao thông”, bà Hoa cho biết.
Ngành du lịch TP.HCM sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng và công bố các sản phẩm theo các trục chủ đề, khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch của cả ba địa phương. Các chủ đề được đề xuất bao gồm “Từ phố theo sông ra biển” (gắn kết văn hóa đô thị, lễ hội, sinh thái và nghỉ dưỡng biển), “Holiday road” (kết hợp nghỉ dưỡng từ phố về sông, biển) và “Văn hóa biển” (kết nối Cần Giờ với Vũng Tàu).
Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, nhận định việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu thành một vùng đô thị thống nhất sẽ tái định hình đáng kể bức tranh du lịch trong khu vực.
Việc sáp nhập sẽ tạo ra một vùng du lịch đa trung tâm, kết hợp giữa nhịp sống đô thị, du lịch công nghiệp và MICE, cùng với du lịch nghỉ dưỡng ven biển trong một không gian dễ dàng tiếp cận.

Với dân số tăng từ 9,9 lên 13,7 triệu người, nhu cầu giải trí và du lịch cũng sẽ tăng theo. Sự bùng nổ dân số giúp nâng cao vị thế của khu vực trong khu vực và trên toàn cầu, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ lưu trú. Việc khuyến khích quy hoạch vùng đồng bộ sẽ giúp TP.HCM mới đa dạng hóa trải nghiệm du lịch. Kết nối giao thông tốt hơn và quy hoạch hợp lý sẽ giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn.
Thạc sĩ Hà Quách, Giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng lợi ích lớn nhất của việc tích hợp là vừa bảo tồn đặc trưng du lịch của từng địa phương, vừa làm phong phú bức tranh chung nhờ sự đa dạng và các trải nghiệm bổ trợ lẫn nhau.

Du lịch của thành phố mới sau sáp nhập có thể được thúc đẩy bằng cách chia sẻ nguồn lực và giảm tải cho vùng trung tâm. Lưu lượng hàng không có thể được phân bổ giữa sân bay Tân Sơn Nhất và dự án Long Thành, các cảng biển như Cái Mép – Thị Vải có thể được liên kết và cải thiện mạng lưới giao thông, tạo điều kiện kết nối vùng thuận tiện. Sự thống nhất trong lực lượng lao động du lịch cũng sẽ hỗ trợ đảm bảo chất lượng phục vụ đồng đều.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Tổng Giám đốc Six Senses Côn Đảo, bày tỏ kỳ vọng tích cực về du lịch Côn Đảo sau khi trở thành đặc khu của TP.HCM. Ông tin rằng khi chính quyền đặc khu Côn Đảo hoặc đầu mối hành chính tại TP.HCM được thiết lập, các thủ tục sẽ được xử lý tập trung, chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn.
Khi hạ tầng được nâng cấp, việc di chuyển ra Côn Đảo sẽ thuận tiện hơn, góp phần giảm chi phí vận chuyển còn khá cao, đồng thời hỗ trợ hoạt động hậu cần và chuỗi cung ứng tại chỗ. Về nhân lực, việc kết nối gần hơn với TP.HCM, một trung tâm đào tạo và cung ứng lao động chất lượng, sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng các chuyên gia có tay nghề trong các lĩnh vực như trị liệu, ẩm thực và dịch vụ.
Về mở rộng thị trường, việc Côn Đảo được lồng ghép vào các chương trình quảng bá chung của TP.HCM sẽ giúp hình ảnh hòn đảo được giới thiệu rộng rãi hơn. Du khách quốc tế sẽ có thêm lựa chọn điểm đến kết hợp nghỉ dưỡng, làm việc và tiếp xúc với thiên nhiên.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Justin Matthew Pang cũng chỉ ra những thách thức tiềm ẩn sau sáp nhập. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu quy hoạch thống nhất và phối hợp giữa các đơn vị hành chính tách biệt trước đây.
Mỗi Sở Du lịch của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đều đã có chiến lược, ưu tiên và thương hiệu riêng trước khi sáp nhập. Nếu không có đánh giá kỹ lưỡng và cơ chế phối hợp quản lý rõ ràng, vùng đô thị có thể trở thành một “nồi lẩu thập cẩm” với các mục tiêu mâu thuẫn, đầu tư chồng chéo, thông điệp không nhất quán và lãng phí nguồn lực.
Ông cho rằng TP.HCM có thể học hỏi từ các đô thị lớn toàn cầu như Vùng đô thị Tokyo, nơi thành công nhờ quy hoạch tích hợp, phát triển hướng giao thông công cộng và các đô thị phụ hỗ trợ trải nghiệm du lịch đa dạng. Thay vì cạnh tranh, Tokyo phân định rõ vai trò du lịch của từng địa phương, đạt được sự đa dạng mà không bị phân mảnh.
Theo Tiến sĩ Justin Matthew, TP.HCM mở rộng nên phát triển theo mô hình du lịch đa trung tâm, với một bộ phận điều phối chung hoặc hội đồng du lịch liên chính quyền để quản lý thống nhất.
“Quan trọng là các khu vực không cạnh tranh lẫn nhau mà phân chia vai trò bổ trợ, mỗi vùng phát huy thế mạnh riêng để hoàn thiện bức tranh du lịch toàn vùng”, ông Justin Matthew kết luận.
Admin
Nguồn: VnExpress