Con trai tôi, vừa tốt nghiệp lớp 9 tại Đan Mạch, nơi tiếng Anh không chỉ là một môn học mà còn là một công cụ sống để giao tiếp và giải quyết vấn đề. Gần đây, tôi quan tâm đến những tranh luận về độ khó của đề thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 ở Việt Nam, nên đã cho con trai làm thử một đề.
Trong kỳ thi tốt nghiệp cấp II vừa qua, con tôi thi nói tiếng Anh về chủ đề lịch sử Trung cổ, thuyết trình về truyền thuyết lá cờ Dannebrog của Đan Mạch trong trận chiến Lyndanisse năm 1219. Sau đó, con trả lời các câu hỏi từ hội đồng chấm thi. Trường con tôi áp dụng mô hình Học tập dựa trên vấn đề, lấy người học làm trung tâm.
Sau khi hoàn thành bài thi thử trong 48 phút và đạt 37/40 câu, con nhận xét “Đề không khó”. Điều này khiến tôi suy nghĩ, bởi con tôi chưa từng luyện thi theo cách của Việt Nam.
Sự khác biệt nằm ở cách học. Ở Đan Mạch, trẻ em tiếp xúc với tiếng Anh qua truyện, bài hát, phim, podcast từ sớm. Các em dùng tiếng Anh để thảo luận, viết cảm xúc, sáng tạo dự án, chứ không phải làm bài mẫu hay học mẹo làm trắc nghiệm. Các em tư duy bằng tiếng Anh khi học tiếng Anh.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tiếng Anh thường được dạy như một môn học “để thi”, nặng về ngữ pháp, từ vựng đơn lẻ, kỹ năng mẹo mực và luyện đề, ít chú trọng kỹ năng sử dụng thực tế. Vì vậy, tư duy bằng tiếng Anh hàng ngày giúp con tôi dễ dàng đọc hiểu và vượt qua bài thi, trong khi học sinh Việt Nam có thể lúng túng dù đã ôn luyện kỹ càng.
Tôi cho rằng đề thi tiếng Anh 2025 thể hiện nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đánh giá năng lực thực sự và gắn ngôn ngữ với tư duy, ngữ cảnh thực tế. Tuy nhiên, sự đổi mới này cần một bước đệm cần thiết. Yêu cầu học sinh đã quen với cách học cũ làm bài theo tư duy mới có thể không công bằng.
Cải cách giáo dục ngôn ngữ cần một lộ trình dài hơi, bắt đầu từ sớm. Ở cấp mẫu giáo và tiểu học, nên tập trung vào phát âm chuẩn, phản xạ giao tiếp, dạy tiếng Anh qua hoạt động, truyện, nghe – nói. Ở cấp THCS và THPT, nên dạy tiếng Anh như một công cụ học tập, khuyến khích viết nhật ký, xem phim, tranh luận, thuyết trình và phát triển kỹ năng viết, phản biện.
Điều quan trọng là người dạy và người học cần hiểu rõ mục đích của việc học tiếng Anh, bao gồm tăng cường khả năng giao tiếp, mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp, phát triển tư duy, kỹ năng mềm và tham gia cộng đồng toàn cầu.
Khi con tôi hỏi vì sao học sinh Việt Nam thấy đề khó, tôi trả lời rằng vì ở Việt Nam, người ta dạy tiếng Anh để thi, còn con học tiếng Anh để sống. Tôi hy vọng tương lai câu nói này sẽ không còn đúng nữa.

Một đề thi có thể phản ánh triết lý giáo dục, và bài làm của một đứa trẻ có thể chỉ ra khoảng cách giữa triết lý và thực tế. Tôi chia sẻ góc nhìn này với mong muốn mọi học sinh Việt Nam đều có cơ hội học tiếng Anh như một công cụ sống, chứ không phải như một nỗi sợ trong kỳ thi.
Nguyễn Thị Thu Hiền
Admin
Nguồn: VnExpress