Ngày 27/6, tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump đã tổ chức lễ chúc mừng thỏa thuận hòa bình giữa Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo), một thành công mà chính quyền Mỹ đóng vai trò trung gian. Đây được xem là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm giải quyết các cuộc xung đột trên toàn cầu.
“Chúng ta vừa kết thúc một cuộc chiến kéo dài 30 năm, cướp đi sinh mạng của 6 triệu người. Không có tổng thống nào khác có thể làm được điều này,” ông Trump phát biểu trong buổi lễ ký kết, với sự tham dự của Ngoại trưởng CHDC Congo và Rwanda.
Thỏa thuận hòa bình này có thể giúp Tổng thống Trump tiến gần hơn đến giải Nobel Hòa bình, một giải thưởng mà ông đã bày tỏ mong muốn từ lâu. Trước đó, ông từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng bản thân “sẽ không được nhận giải Nobel Hòa bình bất kể tôi làm gì”, nhưng khẳng định “người dân biết và đó là tất cả những gì quan trọng với tôi”.
Tổng thống Trump cũng ghi nhận công lao của đặc phái viên châu Phi Massad Boulos, một doanh nhân người Mỹ gốc Lebanon và là thông gia của ông, trong việc thúc đẩy thỏa thuận giữa Rwanda và CHDC Congo.
Mối quan hệ căng thẳng giữa CHDC Congo và Rwanda bắt nguồn từ các tranh chấp biên giới từ thời thuộc địa, và trở nên phức tạp hơn sau cuộc diệt chủng Rwanda năm 1994, theo nhà hoạt động và nhà nghiên cứu người Congo, Daniel Kubelwa.
Trong cuộc diệt chủng đó, hàng trăm nghìn người Tutsi và những người Hutu ôn hòa đã bị lực lượng dân quân Hutu sát hại. Rwanda cáo buộc CHDC Congo đã kết nạp lực lượng dân quân Hutu vào quân đội để chống lại nhóm vũ trang M23, chủ yếu là người Tutsi.
M23, xuất hiện lần đầu vào năm 2012, được xem là một trong những tổ chức vũ trang lớn đang tìm cách kiểm soát nguồn tài nguyên khoáng sản của Congo. Nhóm này cũng tuyên bố bảo vệ lợi ích của người Tutsi và các nhóm thiểu số gốc Rwanda tại CHDC Congo.
Các chuyên gia Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cáo buộc Rwanda đã ủng hộ và hỗ trợ M23, đẩy hai quốc gia đến bờ vực chiến tranh do các cáo buộc xâm phạm lãnh thổ.
Mặc dù chính phủ Rwanda phủ nhận việc ủng hộ M23, họ khẳng định có quyền tự vệ trước lực lượng dân quân Hutu hoạt động ở CHDC Congo, coi nhóm này là “mối đe dọa an ninh hiện hữu”.
Kể từ tháng 1, khi M23 tiến hành một cuộc tấn công mới chống lại quân đội CHDC Congo, hơn 7.000 người đã thiệt mạng và khoảng một triệu người phải rời bỏ nhà cửa. M23 đã giành quyền kiểm soát hai thành phố lớn nhất ở phía đông CHDC Congo.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào tháng 12 cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy khoáng sản từ CHDC Congo “bị xuất khẩu trái phép sang Rwanda, sau đó trộn lẫn với khoáng sản của Rwanda”.
Tổng thống Rwanda Paul Kagame từng gây phẫn nộ khi công khai thừa nhận Rwanda là điểm trung chuyển khoáng sản buôn lậu từ CHDC Congo, nhưng khẳng định nước ông không ăn cắp khoáng sản của nước láng giềng.
Theo thỏa thuận hòa bình ký ngày 27/6, Rwanda và CHDC Congo nhất trí chấm dứt các hành vi gây hấn và ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang đe dọa an ninh của nhau. Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác kinh tế, bao gồm khai thác và chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác.
Mặc dù nhiều chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được công khai, và không có biện pháp cụ thể nào được nêu ra trong trường hợp vi phạm, Tổng thống Trump và các trợ lý của ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận này là một “thời khắc quan trọng” sau 30 năm căng thẳng giữa hai nước.
Giới quan sát cũng đồng tình với nhận định này. “Bất chấp những thách thức, đây là một thỏa thuận quan trọng và là một con đường đầy hứa hẹn phía trước,” Jason K. Stearns, người sáng lập Nhóm Nghiên cứu Congo tại Đại học New York, nhận xét.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đã tìm cách chấm dứt nhiều cuộc xung đột khác trên thế giới, từ cuộc chiến ở Ukraine, Dải Gaza cho đến cuộc đụng độ gần đây giữa Israel và Iran.

Điển hình là cuộc chiến ở Iran, thể hiện chiến lược “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump. Ông đã ra lệnh oanh tạc ba cơ sở hạt nhân của Iran, tuyên bố “xóa sổ” các mục tiêu này, sau đó đề nghị Tehran ngồi vào bàn đàm phán.
Một ngày sau, ông Trump thông báo rằng Iran và Israel đã nhất trí về lệnh ngừng bắn toàn diện, bắt đầu từ ngày 24/6, chấm dứt 12 ngày xung đột đẫm máu giữa hai nước Trung Đông.

“Ông ấy có sự tự tin rằng có thể vượt qua mọi trở ngại thông qua sức mạnh,” Richard Haass, cựu giám đốc Hội đồng Đối ngoại, nhận xét.
Ngày 27/6, ông Trump cảnh báo các Ngoại trưởng Rwanda và Congo rằng “chúng tôi sẽ đảm bảo các vị phải thực hiện thỏa thuận”. “Tốt hơn hết là các vị nên thực hiện nó, nếu không chúng tôi sẽ trừng phạt nghiêm khắc,” ông nói thêm.
Tháng 5 vừa qua, ông Trump cũng tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng Ấn Độ và Pakistan đã đồng ý ngừng bắn “sau một đêm dài đàm phán do Mỹ làm trung gian”. Vào thời điểm đó, hai nước đã trải qua đợt giao tranh nghiêm trọng nhất kể từ năm 1999, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mặc dù chính phủ Ấn Độ và Pakistan xác nhận đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Ấn Độ đã bác bỏ vai trò trung gian đàm phán của Mỹ, cho rằng đây là kết quả của các nỗ lực đàm phán song phương.
Vai trò chính xác của Mỹ trong lệnh ngừng bắn này và liệu thỏa thuận giữa Pakistan và Ấn Độ có thể duy trì hay không vẫn còn là một câu hỏi mở. Tuy nhiên, những thỏa thuận này một lần nữa gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright rằng “Mỹ là quốc gia không thể thiếu” trong nhiều vấn đề của thế giới.
Đồng thời, những nỗ lực này cũng giúp ông Trump xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyền lực, có khả năng chấm dứt xung đột và làm trung gian hòa giải toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc giải quyết các xung đột trên thế giới. “Tổng thống Trump là tổng thống của hòa bình. Ông ấy thực sự muốn hòa bình và ưu tiên hòa bình hơn mọi thứ khác,” ông Rubio nói.
Admin
Nguồn: VnExpress