Hậu xung đột: Thách thức cho lãnh tụ tối cao Iran

Trong gần bốn thập kỷ lãnh đạo Iran, Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei đã vượt qua nhiều sóng gió, từ bất đồng nội bộ, khủng hoảng kinh tế đến các cuộc xung đột. Tuy nhiên, chiến dịch không kích chưa từng có của Israel và Mỹ vào Iran tháng trước có thể coi là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp của ông.

Những thiệt hại nặng nề mà Iran phải gánh chịu trong 12 ngày xung đột đã giáng một đòn mạnh vào vị thế và quyền lực của nhà lãnh đạo tối cao. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), trụ cột quân sự bảo vệ các lý tưởng của Cách mạng Hồi giáo Iran, đã mất đi nhiều chỉ huy cấp cao trong các cuộc không kích chính xác của Israel.

Một trong những tổn thất lớn nhất là tướng Mohammad Bagheri, Tổng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang, người đứng đầu hệ thống chỉ huy quân sự Iran. Trước đây, ông Bagheri chỉ báo cáo trực tiếp cho Lãnh tụ Tối cao Khamenei và đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối tác chiến giữa IRGC và Lực lượng Vũ trang Iran (Artesh).

Một nhân vật quan trọng khác thiệt mạng là tướng Gholam Ali Rashid, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Trung tâm Khatam al-Anbiya. Trước khi qua đời, ông được xem là “tổng tham mưu trưởng thời chiến” của Iran và là một trong những chỉ huy quân sự thân cận nhất của Lãnh tụ Khamenei.

Các cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran, bao gồm Fordow, Natanz và Isfahan, đã bị hư hại nghiêm trọng sau các đợt không kích của Israel và Mỹ. Nhiều nhà khoa học chủ chốt của chương trình hạt nhân Iran cũng thiệt mạng trong cuộc xung đột. Hàng tỷ đô la Mỹ đầu tư vào chương trình hạt nhân đã “bốc hơi” chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần, gây thêm áp lực kinh tế cho Iran, vốn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, các lực lượng ủy nhiệm trong “Trục Kháng chiến” của Iran như Hezbollah, Hamas hay Houthi cũng suy yếu đáng kể sau các cuộc tấn công của Israel và Mỹ.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei trong cuộc họp ở Tehran ngày 20/5. Ảnh: WANA
Lãnh tụ Khamenei họp ở Tehran, ngày 20/5. Ảnh: Internet

Mức độ nghiêm trọng của chiến dịch tấn công từ Israel buộc ông Khamenei phải di chuyển đến một địa điểm bí mật và được bảo vệ bởi một đội cận vệ đặc biệt, cho thấy sự an toàn cá nhân của ông cũng bị đe dọa. Ông đã không tham dự lễ tang dành cho 60 chỉ huy quân sự và nhà khoa học hạt nhân diễn ra vào cuối tuần trước.

Vài ngày sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Lãnh tụ Tối cao Iran mới xuất hiện qua video để gửi thông điệp tới người dân. Ông tuyên bố rằng “Tổng thống Trump đã cho thấy sự thực rằng người Mỹ chỉ hài lòng khi Iran đầu hàng hoàn toàn”.

Tương tự như Israel, ông Khamenei cũng tuyên bố chiến thắng, khẳng định Iran đã đánh bại cả Israel và Mỹ. Tuy nhiên, bình luận này đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Tổng thống Trump, người nhấn mạnh rằng Iran đã “bị đánh tơi bời”.

Lên nắm quyền lãnh đạo Iran vào năm 1989, trong bối cảnh quốc gia bị chiến tranh với Iraq tàn phá và cô lập, ông Khamenei đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là vực dậy nền kinh tế và hàn gắn xã hội bị chia rẽ. Ông phải giải quyết những bất đồng nội bộ và sự cạnh tranh giữa các giáo sĩ, đồng thời đối phó với áp lực trừng phạt liên tục từ cộng đồng quốc tế.

Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và các quan chức cấp cao nhất trong lực lượng vũ trang Iran. Đồ họa: DIA
Lãnh tụ Khamenei & quan chức cấp cao lực lượng vũ trang Iran. Ảnh: Internet

Trong nhiều thập kỷ, ông Khamenei đã xây dựng được một nền tảng ủng hộ trung thành và các thể chế vững chắc để bảo vệ quyền lực của mình. Tuy nhiên, ông chưa từng phải đối mặt với một cuộc tấn công từ một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, cũng như bị một tổng thống Mỹ cảnh báo về nguy cơ ám sát.

Theo Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, học thuyết của ông Khamenei dựa trên hai trụ cột chính: phô trương sức mạnh trong khu vực Trung Đông thông qua các nhóm ủy nhiệm trong “Trục Kháng chiến” và duy trì khả năng răn đe đối thủ bằng kho tên lửa đạn đạo khổng lồ. Tuy nhiên, ông Vaez nhận định rằng “trụ cột thứ nhất giờ đây đã suy yếu đáng kể, trong khi kho tên lửa đạn đạo cũng đã bị Israel phá hủy đáng kể”.

Giữa bối cảnh Iran đang gặp khó khăn sau các cuộc tấn công, ông Khamenei và chính phủ hiện tại có thể phải đưa ra những quyết định cứng rắn để bảo vệ hệ tư tưởng bảo thủ của quốc gia, đồng thời giải quyết các vấn đề trong và ngoài nước.

“Sau khi xung đột lắng xuống, họ sẽ phải đánh giá lại toàn bộ hệ thống quản lý và nhiều khả năng sẽ có những chỉ trích gay gắt ở hậu trường. Tình báo thất bại, các chỉ huy cấp cao bị hạ sát, cùng với đó là những thách thức mà Iran phải đối mặt từ trước xung đột gồm nền kinh tế khó khăn và sự bất mãn trong xã hội”, ông Vaez nhận định.

Những thách thức này có thể thúc đẩy ông Khamenei xem xét nghiêm túc việc phát triển vũ khí hạt nhân như một biện pháp bảo vệ tốt nhất cho Iran, một điều mà trước đây ông từng ban hành lệnh cấm. Quốc hội Iran gần đây cũng đã báo hiệu ý định ngừng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Tuy nhiên, việc phát triển vũ khí hạt nhân sẽ là một sự đảo ngược lớn trong lập trường công khai của Iran. Tehran từ lâu vẫn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình, trong khi Israel khẳng định cuộc tấn công của họ là nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí nguyên tử.

Điều này có thể dẫn đến những phản ứng quyết liệt, đặc biệt là từ Mỹ. Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ tấn công Iran một lần nữa nếu nước này tiếp tục làm giàu uranium ở mức độ đáng lo ngại.

Khu vực Trung Đông. Đồ họa: CNN
Trung Đông: Tổng quan khu vực (Đồ họa CNN). Ảnh: Internet

Một lựa chọn khác mà ông Khamenei có thể cân nhắc là tận dụng tinh thần đoàn kết hiếm có ở Iran sau cuộc tấn công của Israel để tiến hành các cải cách sâu rộng hơn. Trong bài phát biểu gần đây, ông đã đề cập đến sức mạnh tập thể.

Tuy nhiên, theo ông Vaez, tư tưởng bảo thủ của Iran có thể ngăn cản ông Khamenei thúc đẩy quan hệ nồng ấm hơn với khu vực và theo đuổi một thỏa thuận mới với Mỹ.

Nhiều quốc gia láng giềng Ả Rập trước đây coi chính sách của Iran là một mối đe dọa, nhưng gần đây đã chọn cải thiện quan hệ với Tehran và bày tỏ mong muốn hợp tác để tránh nguy cơ xung đột gây tổn thất cho các bên và cả khu vực.

Sự ngờ vực đối với phương Tây từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của người Iran, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018 và phát động cuộc tấn công chưa từng có vào Iran tháng trước.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã đăng tải trên mạng xã hội rằng nếu thực sự muốn có một thỏa thuận, Tổng thống Trump nên từ bỏ giọng điệu thiếu tôn trọng và không thể chấp nhận được đối với Lãnh tụ Tối cao Khamenei, cũng như ngừng làm tổn thương hàng triệu người ủng hộ ông.

Trong bài phát biểu mới nhất, Lãnh tụ Tối cao Khamenei đã thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên cường sau cuộc xung đột. Ông gửi thông điệp tới Mỹ và Israel rằng các hành động quân sự đơn thuần không thể phá hủy được quốc gia của ông.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *