Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Loại vi khuẩn này tấn công lớp niêm mạc của đường hô hấp, đặc biệt là khí quản và phế quản, gây tổn thương các tế bào lông mao và dẫn đến viêm nhiễm, làm xuất hiện những cơn ho kéo dài.
Bệnh ho gà trải qua ba giai đoạn phát triển. Trong giai đoạn khởi phát, thường kéo dài từ một đến hai tuần đầu tiên, các triệu chứng thường nhẹ và dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
Ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em dưới một tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất và cũng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tổn thương não do thiếu oxy kéo dài. Việc bé trai không có dấu hiệu chán ăn là một tín hiệu tích cực, bởi vì trong quá trình mắc bệnh ho gà, các cơn ho thường rất dữ dội, khiến trẻ dễ bị nôn ói sau mỗi cơn ho, dẫn đến ăn kém, sụt cân và có thể gây suy dinh dưỡng nếu tình trạng này kéo dài.
Phương pháp điều trị ho gà ở trẻ em phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và độ tuổi của trẻ, nhằm mục đích giảm nhẹ các triệu chứng, kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Việc chị đã đưa trẻ đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc là rất quan trọng. Chị cần tuân thủ đúng loại thuốc và liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, giảm nguy cơ lây nhiễm và các biến chứng nguy hiểm.
Để giúp con cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình mắc bệnh, chị nên cho bé uống nước ấm, xông hơi nhẹ nhàng, giữ cho phòng thông thoáng, tránh khói bụi và các mùi hương có thể gây kích ứng. Không nên tự ý sử dụng thuốc giảm ho và nhỏ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Vì bé hiện không có dấu hiệu sốt, chị cần tiếp tục theo dõi sát sao. Nếu bé có dấu hiệu sốt hoặc đau mỏi người, có thể sử dụng paracetamol theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh dùng aspirin vì có nguy cơ gây hội chứng Reye.
Do đường thở của trẻ sơ sinh còn hẹp, phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra và hút đờm để giúp con dễ thở hơn. Chị cần quan sát và theo dõi chặt chẽ tình trạng của bé. Nếu bé có bất kỳ dấu hiệu nào như khó thở, rút lõm lồng ngực, tím tái, co giật, lừ đừ, mất ý thức, nôn nhiều hoặc bỏ bú, ho nhiều, sốt cao, thở nhanh, cần đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Admin
Nguồn: VnExpress