Lỗ hổng bảo mật: Bao bì, tem nhãn tiếp tay cho hàng giả

Hoạt động in ấn nhãn mác, bao bì hàng hóa, một công đoạn tưởng chừng như chỉ mang tính kỹ thuật, đang trở thành một mắt xích quan trọng nhưng lại ít được kiểm soát, vô tình tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, dược phẩm, sữa hộp, cho thấy các đối tượng làm giả ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi và có tổ chức. Để đưa hàng giả ra thị trường, chúng cần tem, nhãn, bao bì giả mạo hoặc gây nhầm lẫn với hàng thật, “đội lốt” các thương hiệu uy tín để đánh lừa người tiêu dùng và cơ quan kiểm tra.

Vậy, nguồn gốc của những bao bì, nhãn mác hàng giả này từ đâu? Bên cạnh các trường hợp nhập lậu từ nước ngoài, phần lớn ấn phẩm giả mạo được in ngay trong nước, tại các cơ sở in với chất lượng tinh xảo không thua kém hàng thật. Những tem, nhãn này trở thành “hộ chiếu giả” để hàng vi phạm tung hoành trên thị trường.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hóa gồm hai loại: nhãn rời (dán hoặc gắn vào bao bì) và nhãn in trực tiếp trên bao bì. Hoạt động in nhãn hàng hóa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó cơ sở in phải đáp ứng các điều kiện và đăng ký với cơ quan quản lý theo Nghị định số 60/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại các Nghị định số 25/2018/NĐ-CP và 72/2022/NĐ-CP).

Tuy nhiên, hoạt động in bao bì lại không thuộc nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Về nguyên tắc, các cơ sở in bao bì chỉ cần đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Cần phân biệt hai loại bao bì: bao bì thông thường (không có nhãn hàng hóa) và bao bì có sẵn nhãn hàng hóa (đã có thông tin về nhãn hiệu, thành phần, công dụng in trực tiếp).

Thực tế, in bao bì có sẵn nhãn hàng hóa thực chất là hoạt động in nhãn hàng hóa, do đó cơ sở in cần tuân thủ đúng pháp luật, bao gồm điều kiện hoạt động và thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành.

Tuy nhiên, không phải cơ sở in nào cũng nắm vững sự phân định này. Khái niệm “in bao bì” còn khá chung chung, kể cả trong văn bản pháp luật chuyên ngành. Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa làm rõ ranh giới này, tạo kẽ hở cho một số cơ sở in lợi dụng hoặc thiếu hiểu biết, vô tình tiếp tay cho hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, việc truy vết nguồn gốc in ấn rất khó khăn khi hàng hóa đã ra thị trường. Người tiêu dùng, vốn thiếu kiến thức chuyên môn, gần như không thể phân biệt hàng thật và hàng giả.

Có thể thấy một số lỗ hổng trong pháp luật về quản lý hoạt động in bao bì, nhãn mác hàng hóa:

Thứ nhất, pháp luật hiện hành chưa yêu cầu cơ sở in kiểm tra tính hợp pháp của nội dung nhãn hàng hóa trước khi in. Phần lớn cơ sở in chỉ nhận bản thiết kế từ khách hàng và tiến hành in theo yêu cầu, không có trách nhiệm xác minh quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều 21 của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP, quy định về thủ tục nhận in, đã bị bãi bỏ bởi Nghị định số 25/2018/NĐ-CP, tạo ra “vùng xám” cho các hành vi in ấn vi phạm.

Thứ hai, Nghị định 43/2017/NĐ-CP chủ yếu tập trung quy định nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, nhưng chưa đề cập đến kiểm soát, phòng chống in nhãn giả.

Thứ ba, thiếu cơ chế chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý in (ngành văn hóa) và cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ (ngành khoa học và công nghệ), hạn chế khả năng đối chiếu và giám sát nội dung in nhãn hàng hóa.

Để ngăn chặn tình trạng in bao bì, nhãn mác vi phạm, cần các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành in: Bổ sung quy định về nghĩa vụ của cơ sở in đối với bao bì, nhãn hàng hóa, yêu cầu xác minh nguồn gốc, tính hợp pháp và không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xác định rõ khái niệm và phân loại in bao bì: in bao bì có nhãn hàng hóa phải được quản lý như in nhãn hàng hóa, không được coi là in thông thường. Tăng chế tài xử lý vi phạm: bổ sung quy định xử phạt hành vi in bao bì, nhãn hàng hóa vi phạm tại Nghị định số 14/2020/NĐ-CP; xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ sở in cố tình tiếp tay cho hành vi làm hàng giả, hàng nhái.

Hai là, phối hợp liên ngành: Thúc đẩy chuyển đổi số và kết nối cơ sở dữ liệu giữa các ngành văn hóa, khoa học và công nghệ, công thương, công an để kiểm soát nội dung in, xác minh nguồn gốc nhãn hàng hóa. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới doanh nghiệp in, sản xuất bao bì và hàng hóa. Phát triển công cụ hỗ trợ người tiêu dùng tra cứu, đối chiếu, phát hiện, tố giác hàng giả. Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Kiểm soát hoạt động in nhãn mác, bao bì là yếu tố then chốt để chống hàng giả, hàng nhái và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Quản lý tốt lĩnh vực này không chỉ giúp ngăn chặn đầu vào cho hàng hóa vi phạm mà còn bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính và duy trì sự lành mạnh của môi trường kinh doanh.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *