Năm 2024, bà Tôn ở thành phố Trường Viên, tỉnh Hà Nam, mua một căn hộ tầng một có sân vườn. Đến tháng 12 cùng năm, trong lúc cải tạo sân, bà Tôn bất ngờ phát hiện một mẩu xương nghi là xương đùi người. Ngay lập tức, bà báo sự việc cho cảnh sát.
Sau khi cảnh sát tiến hành giám định khúc xương, bà Tôn tiếp tục phát hiện thêm nhiều mảnh xương sườn và xương cụt tại khu vực sân nhà. Bà lại một lần nữa thông báo cho cơ quan chức năng.
Từ sau sự việc, bà Tôn đã nhiều lần liên hệ với ban quản lý bất động sản và chủ đầu tư để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, cả hai bên đều từ chối yêu cầu trả lại hoặc đổi căn hộ của bà, với lý do “nhà đã được bàn giao”.
Cục Xây dựng và Nhà ở thành phố Trường Viên đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa bà Tôn với ban quản lý bất động sản và chủ đầu tư, nhưng các bên vẫn không đạt được thỏa thuận chung.
Đại diện ban quản lý bất động sản cho rằng bà Tôn chỉ có quyền sử dụng phần đất sân vườn, chứ không có quyền sở hữu. Họ giải thích rằng đất đắp sân được mua từ nhiều nguồn khác nhau và không phải lúc nào cũng được sàng lọc kỹ lưỡng. Trong khi đó, chủ đầu tư cho biết đã bàn giao toàn bộ khu dân cư cho ban quản lý vận hành.
Theo thông tin từ đội cảnh sát hình sự thành phố Trường Viên, các mảnh xương được tìm thấy thuộc về một người đàn ông đã qua đời khoảng 20 năm trước.
Ngày 30/6, Cục Xây dựng và Nhà ở thành phố thông báo các bên vẫn đang tiếp tục thảo luận để tìm giải pháp cho vấn đề này và chưa thể công bố kết quả cuối cùng.
Liên quan đến tranh chấp này, ông Phó Kiến, giám đốc một công ty luật ở Hà Nam, nhận định việc phát hiện xương người trong sân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sử dụng và sinh hoạt bình thường của căn hộ. Điều này khiến bà Tôn không đạt được mục đích ban đầu khi ký kết hợp đồng mua nhà. Do đó, bà Tôn có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng mua bán.
Luật sư Phó Kiến phân tích thêm, nếu chủ đầu tư biết rõ về vấn đề của đất đắp sân nhưng không thông báo cho bà Tôn, thì theo Điều 148 Bộ luật Dân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bên bị lừa dối có quyền yêu cầu Tòa án Nhân dân hoặc tổ chức trọng tài hủy bỏ giao dịch dân sự. “Bà Tôn có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng, trả lại nhà hoặc đổi nhà,” ông nói.
Ông Phó Kiến nhấn mạnh: “Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm tương ứng vì đã không hoàn thành trách nhiệm của mình, dẫn đến tình trạng bất thường tại các căn hộ đã bàn giao và phần đất đi kèm.” Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bên vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại.
Vị luật sư này cũng cho rằng: “Sân vườn là một phần gắn liền với căn hộ, do đó chủ đầu tư phải đảm bảo không có bất kỳ khiếm khuyết lớn nào ảnh hưởng đến việc sử dụng bình thường.”

Ngoài ra, ông Phó Kiến lưu ý rằng công ty quản lý bất động sản có nghĩa vụ quản lý và bảo trì các cơ sở hạ tầng chung của khu dân cư, cũng như một số khu vực riêng của chủ sở hữu. Nếu công ty biết về khả năng có vấn đề với nguồn đất đắp sân nhưng không có biện pháp xử lý, họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
“Việc phát hiện xương người trong sân cho thấy cả chủ đầu tư và công ty quản lý bất động sản đều không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình và phải chịu trách nhiệm,” luật sư Phó Kiến khẳng định.
Admin
Nguồn: VnExpress