Từ ngày 1/7, Nghị định 164/2025 chính thức có hiệu lực, quy định chi tiết về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Một trong những điểm đáng chú ý là việc triển khai sổ BHXH điện tử cho người lao động.
Sổ BHXH điện tử sẽ do Bộ Tài chính tạo lập bằng phương tiện điện tử, chứa đựng đầy đủ thông tin tương tự như sổ giấy hiện hành. Các thông tin cơ bản bao gồm thông tin cá nhân, quá trình đóng, hưởng, giải quyết các chế độ BHXH và các thông tin liên quan khác. Sổ điện tử này sẽ được tích hợp với tài khoản VNeID của người tham gia BHXH, được lưu trữ và cập nhật thường xuyên trên hệ thống. Theo kế hoạch, việc cấp sổ BHXH điện tử sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 1/1/2026.
Đối với người tham gia BHXH thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, sổ BHXH điện tử sẽ do hai bộ này tạo lập, tích hợp và quản lý trên tài khoản định danh điện tử, nhằm đảm bảo bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Nghị định mới cũng nhấn mạnh rằng giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực này sẽ không cần phải cung cấp lại các giấy tờ, tài liệu đã có trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chủ quản. Cơ sở dữ liệu này bao gồm nhiều nhóm thông tin quan trọng, bao gồm: dữ liệu cơ bản cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, dân tộc, quốc tịch, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, nơi thường trú, thông tin về cha mẹ, vợ/chồng, người đại diện hợp pháp); thông tin liên hệ của công dân; thông tin về hộ gia đình (địa chỉ, danh sách thành viên); thông tin về BHXH (mã số BHXH, mã đơn vị quản lý, cơ quan BHXH quản lý, đối tượng BHXH, phương thức đóng, quá trình đóng hưởng, mã số thuế); thông tin về bảo hiểm y tế (BHYT) (mã số BHYT, mức hưởng, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, thời hạn sử dụng, quá trình đóng hưởng, dữ liệu khám chữa bệnh); thông tin về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (quá trình đóng hưởng, thời gian đóng được bảo lưu). Ngoài ra, cơ sở dữ liệu còn bao gồm thông tin về người sử dụng lao động (tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ trụ sở, ngành nghề kinh doanh, số điện thoại, thư điện tử, loại hình doanh nghiệp).
Bộ Tài chính sẽ khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành. Bộ Tài chính phải đảm bảo các điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực BHXH chậm nhất vào ngày 1/1/2027.
Nghị định cũng quy định rõ về quyền khai thác và sử dụng thông tin. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân được quyền khai thác và sử dụng thông tin của chính mình. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin cá nhân của người khác phải được sự đồng ý của người đó theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, cả nước có hơn 621.000 doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 36 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng VssID, và hơn 5,5 triệu lượt sử dụng ảnh thẻ trên VssID để làm thủ tục khám chữa bệnh. Hệ thống của cơ quan BHXH đã xác thực hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 88,5 triệu người đang tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Admin
Nguồn: VnExpress