Những tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Philippines vào cuối tháng 5 vừa qua đã đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở: Tại sao một đất nước sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp, nền văn hóa đặc sắc và người dân thân thiện lại xếp gần cuối bảng về lượng khách du lịch trong khu vực Đông Nam Á?
Mọi chuyện bắt đầu khi một nhà sáng tạo nội dung, Thea Tan, chia sẻ quan điểm: Philippines có tất cả những yếu tố mà các quốc gia khác mơ ước, từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đến ẩm thực hấp dẫn và văn hóa phong phú cùng lòng hiếu khách. Vậy tại sao du khách lại ưu tiên Thái Lan, Việt Nam hay Bali hơn?
Số liệu thống kê cho thấy sự chênh lệch rõ rệt. Theo Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia, Malaysia dẫn đầu khu vực trong quý I với 10,1 triệu lượt khách, tiếp theo là Thái Lan (9,5 triệu lượt). Việt Nam đứng thứ ba với hơn 6 triệu lượt, còn Singapore đón 4,3 triệu lượt. Trong khi đó, Philippines chỉ ghi nhận 2,1 triệu lượt khách tính đến tháng 4, theo số liệu từ Cục Du lịch Philippines.
Năm 2024, Philippines đón 5,9 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng, thậm chí còn kém Campuchia (6,7 triệu lượt), và chưa đạt được mục tiêu 7,7 triệu lượt mà chính phủ đặt ra.
Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực như chi tiêu của du khách tăng và thời gian lưu trú kéo dài hơn, Thea Tan vẫn cho rằng điều đó không thể che giấu một thực tế: “Philippines không phải là lựa chọn hàng đầu của du khách trong khu vực ASEAN. Cơ sở hạ tầng yếu kém và việc di chuyển khó khăn khiến du khách cảm thấy mệt mỏi.”

Ngay cả người dân Philippines cũng cảm thấy du lịch trong nước quá đắt đỏ và phức tạp, chưa nói đến du khách quốc tế. Một người dân địa phương chia sẻ: “Philippines có bãi biển đẹp, đồ ăn ngon, người dân thân thiện, nhưng đường sá, sân bay và giao thông công cộng lại rất tệ. Quan trọng nhất là giá cả quá cao.”
Thực tế này gây bất ngờ cho nhiều người, bởi những địa danh như Boracay hay Palawan thường xuyên được vinh danh trong các bảng xếp hạng du lịch quốc tế. Thậm chí, Boracay còn được công nhận là “đảo nghỉ dưỡng cao cấp hàng đầu thế giới” vào năm 2024.
Tuy nhiên, số liệu vẫn cho thấy lượng khách đến Philippines trong 4 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn 26% so với thời điểm trước đại dịch.
Nhà nghiên cứu Edieser dela Santa từ Đại học Philippines nhận định rằng trước đây, Philippines từng dẫn đầu khu vực về du lịch, vượt qua cả Indonesia và Việt Nam. Hiện tại, Campuchia cũng đã vượt lên.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý rằng không nên chỉ dựa vào số lượng khách du lịch để đánh giá hiệu quả của ngành. Bà Eylla Gutierrez từ Viện Quản lý châu Á nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị kinh tế mà du lịch mang lại. Bà dẫn chứng trường hợp thành phố Baguio, nơi du lịch đóng góp tới 25% GDP. Theo bà, Philippines đang dần chuyển đổi từ mô hình du lịch đại trà sang mô hình “ít khách hơn nhưng chất lượng hơn”, tập trung vào giá trị bền vững thay vì chỉ chạy theo số lượng.
Bà Gutierrez cho biết ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo nhận ra rằng số lượng khách du lịch không phải là thước đo duy nhất cho sự thành công của ngành du lịch. Do đó, sự chững lại về lượng khách đến Philippines hiện nay có thể được xem là một sự chuyển mình trong chiến lược du lịch quốc gia.
Điều này đồng nghĩa với việc ưu tiên những du khách có ý thức, sẵn sàng chi tiêu và gắn bó với cộng đồng địa phương – một xu hướng đang lan rộng trên toàn cầu trong quá trình phục hồi du lịch sau đại dịch.
Bà cũng chỉ ra rằng doanh thu từ du lịch của Philippines trong năm 2024 đã vượt mức trước đại dịch, đạt kỷ lục 760 tỷ peso (tương đương gần 13,2 tỷ USD), cho thấy mức chi tiêu cao hơn và sự chuyển dịch sang mô hình du lịch giá trị cao, bền vững.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi này có thể giúp Philippines tránh lặp lại “bài học Boracay” năm 2018, khi hòn đảo này buộc phải đóng cửa tạm thời do quá tải khách du lịch và các vấn đề môi trường nghiêm trọng, như xả thải chưa qua xử lý ra biển.
Tuy nhiên, ông Edieser dela Santa cho rằng Philippines vẫn đang phục hồi chậm hơn so với các nước láng giềng và cần nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là trong việc cải thiện khả năng tiếp cận từ các thị trường khách du lịch lớn.
Ông chỉ ra rằng Manila hiện có ít chuyến bay thẳng từ các thành phố trong khu vực hơn so với Bangkok hay Jakarta, và chỉ có một hãng hàng không châu Âu khai thác đường bay thẳng đến thủ đô Philippines. Trong khi đó, Bangkok có các chuyến bay thẳng hàng tuần từ các thành phố lớn như Paris, London hay Rome.
Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa các điểm du lịch trong nước cũng còn nhiều bất cập. Ví dụ, nhiều chuyến bay đến các đảo như Batanes và Siargao sử dụng máy bay cánh quạt và phải khởi hành từ sân bay Clark, cách sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila từ 2 đến 3 giờ lái xe.
Mặc dù điều này có thể giúp giảm tải cho sân bay chính, nhưng thời gian di chuyển dài và sự bất tiện có thể khiến du khách nản lòng khi muốn khám phá nhiều điểm đến khác nhau. Trong khi đó, đây lại là những hòn đảo có tiềm năng lớn để thu hút khách du lịch.
Bà Gutierrez cho rằng để cải thiện ngành du lịch Philippines, cần có sự tham gia của toàn xã hội, từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện kết nối, đến nâng cao năng lực quản lý điểm đến và phát triển kỹ năng nghề cho người dân.
“Tăng trưởng là trọng tâm của du lịch, đảm bảo lợi ích không chỉ dành riêng cho du khách mà còn cho cả người dân Philippines,” bà Gutierrez nhấn mạnh.
Admin
Nguồn: VnExpress