Các chuyên gia về an toàn thực phẩm cảnh báo rằng người nội trợ thường xem nhẹ nguy cơ nhiễm khuẩn trong gian bếp gia đình. Vi khuẩn gây hại như E. coli, salmonella và listeria có thể dễ dàng lây lan từ thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, rau củ quả sang các bề mặt khác trong bếp, thậm chí tồn tại ở đó trong nhiều tuần.
Để phòng tránh nhiễm khuẩn chéo, việc rửa tay thường xuyên và đúng cách là vô cùng quan trọng. Hãy rửa tay bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây, sau đó lau khô bằng khăn sạch riêng biệt.
Dưới đây là 10 thói quen quan trọng giúp bạn ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong gia đình:
**1. Khử trùng bề mặt tiếp xúc:**
Sau khi sơ chế thịt sống, hãy dùng dung dịch tẩy rửa hoặc bình xịt chứa cồn để làm sạch các bề mặt cứng trong bếp. Khi sử dụng chất tẩy rửa, cần đeo găng tay và đảm bảo không gian bếp thông thoáng. Nên vệ sinh các kệ tủ lạnh hàng tháng và duy trì nhiệt độ tủ dưới 4 độ C để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
**2. Nấu chín kỹ thịt:**
Luôn đảm bảo thịt được nấu chín đến nhiệt độ an toàn theo khuyến cáo. Cụ thể, thịt bò, heo, cừu, bê nguyên khối và cá nên đạt 63 độ C (và nghỉ 3 phút sau khi nấu), thịt xay cần đạt 71 độ C, và thịt gia cầm là 74 độ C.
**3. Sử dụng và vệ sinh thớt đúng cách:**
Nên ưu tiên thớt nhựa thay vì thớt gỗ khi chế biến thịt. Thớt gỗ có nhiều rãnh xốp, dễ tích tụ vi khuẩn từ thịt sống mà khó làm sạch hoàn toàn. Dù sử dụng loại thớt nào, cũng cần rửa kỹ bằng nước nóng và xà phòng kháng khuẩn sau mỗi lần dùng.
**4. Thay hoặc làm sạch miếng rửa bát và khăn lau thường xuyên:**
Miếng bọt biển rửa bát là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Việc dùng một miếng rửa bát để rửa dao vừa cắt thịt gà sống rồi lại dùng để rửa chén đĩa khác sẽ làm lây lan vi khuẩn. Nếu buộc phải dùng miếng bọt biển, hãy làm ướt và quay trong lò vi sóng từ 1-2 phút mỗi ngày, hoặc rửa trong máy rửa chén ở chế độ sấy nhiệt. Nên thay miếng bọt biển mỗi tuần và sử dụng khăn lau có thể giặt nóng, thay hàng ngày.
**5. Rã đông thịt đúng cách:**
Rã đông thịt ở nhiệt độ phòng có thể tiện lợi, nhưng lại tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng ở lớp ngoài của thịt, trong khi phần bên trong vẫn còn đông đá. Thay vào đó, hãy rã đông thịt trong tủ lạnh. Nếu cần nấu ngay, có thể dùng lò vi sóng hoặc ngâm thịt trong túi kín trong nước lạnh, thay nước mỗi 30 phút.
**6. Không để thức ăn ngoài trời qua đêm:**
Để thức ăn ở nhiệt độ phòng qua đêm là tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Vi khuẩn có thể tạo ra các độc tố gây nôn ói, và nhiều độc tố trong số này không bị phá hủy bởi nhiệt độ cao. Đặc biệt, với các món ăn giàu tinh bột như cơm và mì, vi khuẩn Bacillus cereus có thể phát triển chỉ sau vài giờ nếu để bên ngoài.
**7. Bảo quản thức ăn thừa đúng cách:**
Nếu cần bảo quản, hãy cho thức ăn vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ. Với những bữa tiệc kéo dài, thức ăn có thể để ngoài tối đa 4 giờ. Trong môi trường nóng, thời gian an toàn sẽ ngắn hơn. Thức ăn đã nấu chỉ nên giữ lạnh trong 3-4 ngày. Nếu đông lạnh, thực phẩm có thể giữ an toàn trong thời gian dài hơn.
**8. Chú ý đến hạn “dùng tốt nhất trước”:**
Tuân thủ hạn sử dụng là một cách đơn giản nhưng hiệu quả để tránh các rủi ro về sức khỏe. Một số thực phẩm đóng gói có thể vẫn dùng được sau ngày hết hạn nếu chưa mở và được bảo quản đúng cách. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận biết thực phẩm đã hỏng bằng mùi hoặc vị.
**9. Không tin rằng muối, giấm hay gia vị có thể diệt khuẩn:**
Việc thêm muối, giấm hoặc gia vị vào món ăn không đảm bảo món ăn đó an toàn khỏi vi khuẩn. Dù có thể làm chậm quá trình hỏng trong một số điều kiện nhất định, nhưng điều này không đảm bảo loại trừ hoàn toàn các vi khuẩn nguy hiểm.
**10. Đừng cho rằng thực phẩm hữu cơ an toàn hơn:**
Không có nhiều khác biệt về mức độ nhiễm khuẩn giữa thực phẩm hữu cơ và thông thường. Tuy nhiên, mua thực phẩm từ nhà cung cấp địa phương có thể giảm rủi ro lây nhiễm, vì thực phẩm trải qua ít khâu trung gian hơn và đến tay người tiêu dùng nhanh hơn.
Thực hiện những thói quen này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe gia đình và giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Admin
Nguồn: VnExpress