Bướu giáp thòng trung thất, còn được gọi là bướu giáp chìm hoặc lạc chỗ, là tình trạng tuyến giáp ở cổ phát triển lớn, lan xuống trung thất (khoang ngực). Tình trạng này chiếm từ 3% đến 20% tổng số ca bướu giáp, thường gặp ở người lớn tuổi và phổ biến hơn ở nữ giới. Phần lớn các trường hợp bướu giáp thòng trung thất là lành tính, ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bướu phát triển lớn, chèn ép các cơ quan như thực quản, khí quản hoặc mạch máu, có thể dẫn đến khó nuốt, khó thở và thay đổi giọng nói.

Nguyên nhân hàng đầu gây bướu giáp là do thiếu iốt. Iốt là yếu tố cần thiết để tuyến giáp sản xuất hormone. Khi cơ thể thiếu iốt, tuyến giáp phải phình to ra để cố gắng sản xuất đủ lượng hormone cần thiết. Tình trạng bướu giáp do thiếu iốt kéo dài có thể tiến triển thành bướu giáp đa nhân, và sau đó thòng xuống trung thất.
Ngoài ra, bướu giáp đa nhân tồn tại lâu ngày cũng có thể dẫn đến bướu phát triển và di chuyển xuống trung thất. Các yếu tố cơ học như trọng lực, lực kéo khi nuốt, áp lực âm trong trung thất khi hít vào, khí quản cổ ngắn, cơ cổ khỏe và cổ ngắn cũng góp phần tạo điều kiện cho bướu giáp di chuyển xuống ngực.
Trong nhiều trường hợp, bướu giáp thòng trung thất phát triển một cách âm thầm, không gây ra triệu chứng rõ ràng. Bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi bệnh nhân chụp X-quang ngực hoặc CT scan vì các lý do sức khỏe khác. Chỉ khi bướu đạt kích thước đủ lớn để chèn ép các cơ quan xung quanh, bệnh nhân mới bắt đầu gặp các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, cảm giác nặng ngực hoặc thay đổi giọng nói. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bướu giáp thòng trung thất có thể gây ra suy hô hấp cấp tính.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính và hiệu quả nhất đối với bướu giáp thòng trung thất. Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ hoàn toàn bướu, giúp cải thiện ngay lập tức các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa nguy cơ chèn ép nặng hoặc khó thở.
Nếu bạn nghi ngờ mình có bướu giáp thòng trung thất, việc đi khám để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời là rất quan trọng. Phẫu thuật loại bỏ bướu giáp thòng trung thất khi khối u còn nhỏ thường dễ dàng hơn và giảm thiểu các biến chứng. Khi bướu có kích thước lớn, phẫu thuật trở nên phức tạp hơn, đôi khi cần phải cưa xương ức để tiếp cận và loại bỏ khối u nằm sâu trong lồng ngực, kéo dài thời gian hồi phục.
Admin
Nguồn: VnExpress