Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học từ Canada, New Zealand và Mexico đã ghi nhận 34 trường hợp tương tác đặc biệt kéo dài suốt hai thập kỷ, trong đó cá voi sát thủ chủ động chia sẻ thức ăn với con người trong môi trường tự nhiên. Những sự kiện này diễn ra ở nhiều vùng biển khác nhau trên thế giới, từ California, New Zealand, Na Uy cho đến Patagonia.
Jared Towers, tác giả chính của nghiên cứu từ viện Bay Cetology ở British Columbia, Canada, nhận xét: “Cá voi sát thủ thường chia sẻ thức ăn với nhau như một hoạt động xã hội và là cách để xây dựng mối quan hệ. Hành động tương tự với con người có thể cho thấy chúng cũng có sự quan tâm đặc biệt đến chúng ta.”

Cùng với các đồng nghiệp là Ingrid Visser từ tổ chức Orca Research Trust ở New Zealand và Vanessa Prigollini từ hiệp hội Marine Education Association ở La Paz, Mexico, Towers đã thu thập và phân tích thông tin chi tiết về 34 sự kiện cá voi sát thủ chia sẻ thức ăn, được chính họ hoặc những người khác chứng kiến. Trong số này, có 11 trường hợp xảy ra dưới nước khi cá voi sát thủ tiếp cận con người, 21 trường hợp trên thuyền và 2 trường hợp trên bờ. Một số sự kiện được ghi lại bằng video và ảnh, trong khi những sự kiện khác được mô tả thông qua phỏng vấn với các nhà nghiên cứu.
Để đảm bảo tính xác thực, các sự kiện được đưa vào phân tích phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt. Trong mỗi trường hợp, cá voi sát thủ phải chủ động tiếp cận con người thay vì ngược lại, và phải thả thức ăn trước mặt họ. Đáng chú ý, trong tất cả các trường hợp, cá voi sát thủ đều quan sát phản ứng của con người sau khi đưa thức ăn. Thậm chí, trong 7 trường hợp, chúng đã cố gắng chia sẻ thức ăn nhiều lần sau khi bị từ chối ban đầu.
Mặc dù hành vi chia sẻ thức ăn thường thấy ở các loài động vật đã được thuần hóa như chó và mèo, nghiên cứu này đánh dấu một trong những mô tả chi tiết đầu tiên về hành vi tương tự ở động vật hoang dã. Nhóm nghiên cứu cho rằng, điều này có thể là do cá voi sát thủ là loài động vật thông minh và có tính xã hội cao, chúng sử dụng việc chia sẻ thức ăn để xây dựng mối quan hệ không chỉ với đồng loại mà còn với các cá thể không cùng huyết thống. Ngoài ra, do cá voi sát thủ thường săn những con mồi lớn hơn nhiều so với kích thước của chúng, nên đôi khi chúng có lượng thức ăn dư thừa.
Nhóm nghiên cứu suy đoán: “Việc tặng thức ăn cho con người có thể là cơ hội để cá voi sát thủ thực hành các hành vi đã học, khám phá, vui chơi, gây ảnh hưởng hoặc phát triển mối quan hệ với chúng ta.”
Admin
Nguồn: VnExpress