Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình theo hướng kinh tế tuần hoàn, đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới. Trong bối cảnh các quy định về môi trường ngày càng khắt khe và áp lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững là tất yếu.
Theo thống kê, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu dệt may đạt trị giá 44 tỷ USD, giữ vững vị trí thứ hai trên toàn cầu. Mục tiêu cho năm nay là đạt 48 tỷ USD. Tuy nhiên, một thực tế đáng chú ý là tỷ lệ sợi tái chế trong các sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện còn rất thấp, dưới 5%. Trong khi đó, mỗi năm ngành này thải ra khoảng 300.000 – 400.000 tấn vải phế liệu, nhưng chỉ thu gom được 10-15%. Khoảng trống lớn này chính là dư địa tiềm năng để phát triển dệt may tuần hoàn.
Tín hiệu tích cực là đã có những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào lĩnh vực này. Giữa tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Syre (Thụy Điển) đã được cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy tái chế polyester trị giá 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Bình Định. Đây là một trong những dự án kinh tế xanh lớn nhất trong ngành dệt may tại Việt Nam. Với công suất dự kiến 100.000 – 250.000 tấn mỗi năm, nhà máy này sẽ tái chế vải phế liệu thành nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may và các ngành công nghiệp khác.
Đại diện Syre cho biết, qua khảo sát, nguồn phế liệu nội địa hiện mới đáp ứng được 40.000 – 60.000 tấn. Tập đoàn này kỳ vọng có thể nâng con số này thông qua liên kết với thị trường trong nước. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi kinh tế tuần hoàn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế. Tham vọng xa hơn của Syre là biến Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.

Không chỉ có các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu thử nghiệm các mô hình kinh tế xanh trong dệt may. Có thể kể đến như Faslink sản xuất vải từ bã cà phê, TNG và Dony phân loại vải thải tại nguồn, hay một số đơn vị triển khai blockchain để truy xuất nguồn gốc sợi, phát triển các loại sợi vải từ nguyên liệu tự nhiên như lá dứa, vỏ măng cụt…
Sự chuyển đổi này là vô cùng cần thiết, bởi ngành thời trang, may mặc là một trong những ngành tiêu thụ lượng tài nguyên lớn. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc (UN), mỗi năm ngành này tiêu thụ tới 93 tỷ m3 nước, đủ cung cấp cho 500 triệu dân trên toàn cầu, và lượng khí thải nhà kính còn cao hơn cả ngành hàng không và vận tải biển cộng lại. Điều này thúc đẩy các thương hiệu lớn phải thay đổi phương thức sản xuất và phân phối, chuyển từ mô hình “thiết kế – sản xuất – sử dụng – bỏ đi” sang mô hình tuần hoàn. Nghiên cứu của Ellen MacArthur Foundation ước tính, các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể chiếm 23% thị trường, mở ra cơ hội trị giá 700 tỷ USD vào năm 2030.
Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy xu hướng này là các khung pháp lý ngày càng được thắt chặt. Ví dụ, quy định Ecodesign về sản phẩm bền vững của EU (có hiệu lực từ tháng 7/2024) cấm hủy hàng dệt may tồn kho. Các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này cần phải có nhãn mác thể hiện tính bền vững, khả năng tái chế dễ dàng hoặc sử dụng ít nhiên liệu hơn trong quá trình sản xuất.
Tại Việt Nam, ngành dệt may hiện đóng góp 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo thống kê, ngành này có khoảng 7.000 công ty và sử dụng hơn 3 triệu lao động, với 80% năng lực sản xuất phục vụ xuất khẩu và 20% cho tiêu dùng nội địa.
Lãnh đạo ngành công thương khẳng định, mục tiêu của ngành là phát triển chuỗi sản xuất quy mô lớn, đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa, chuyển đổi số, quản trị tự động, sản xuất xanh và thân thiện môi trường. Đồng thời, Việt Nam cũng kêu gọi các thương hiệu lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tham gia phát triển nguồn cung nguyên liệu, góp phần thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển xanh và bền vững.
Admin
Nguồn: VnExpress