Trong dự thảo ngân sách năm tài chính 2026 vừa được công bố, Lục quân Hoa Kỳ đề xuất khoản chi 92 triệu đô la Mỹ để mua sắm tổ hợp giáp chuyên dụng đối phó các cuộc tấn công từ trên nóc (TAP) trang bị cho 1.528 xe bọc thép bánh xích, bao gồm cả xe tăng.
Hệ thống TAP dự kiến sẽ được lắp đặt trên các phương tiện chiến đấu trước, sau đó mới mở rộng sang các loại xe khác. Dự thảo ngân sách cũng nêu rõ số lượng TAP trang bị trên mỗi xe sẽ khác nhau, tùy thuộc vào độ dày lớp giáp gốc và vị trí khoang lái.
Đây là một phần của gói Hệ thống Bảo vệ Phương tiện (VPS) trị giá 107 triệu đô la Mỹ, bao gồm cả cảm biến cảnh báo chiếu xạ laser và vật liệu phủ ngoài xe nhằm giảm thiểu khả năng bị phát hiện bằng hồng ngoại.
Mặc dù Lục quân Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về TAP, Howard Altman, một chuyên gia của trang tin quân sự War Zone, nhận định rằng nó có thể tương đồng với loại giáp lồng đang được nhiều quân đội trên thế giới sử dụng để chống lại các mối đe dọa từ máy bay không người lái (drone).
Thông tin này được công bố trong bối cảnh có nhiều cảnh báo về việc quân đội Mỹ chưa bắt kịp những thay đổi trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là việc điều chỉnh năng lực và chiến thuật tác chiến của lực lượng thiết giáp dựa trên những bài học từ chiến trường Ukraine.
Thiếu tá về hưu Michael Liscano Jr., người từng phục vụ trong Lục quân Mỹ, thừa nhận rằng không có loại xe tăng nào trên thế giới, kể cả M1 Abrams, có lớp giáp đủ dày để chống lại các cuộc tấn công từ trên nóc.
Ông cho biết thêm, các loại xe tăng thế hệ mới đang được trang bị thêm các biện pháp phòng thủ mới để đối phó với drone. Giáp lồng, giáp phản ứng nổ (ERA) nhiều lớp hoặc các tấm chắn gắn trên tháp pháo vẫn sẽ được sử dụng cho đến khi các công nghệ phòng thủ tiên tiến hơn được triển khai.
Những bài học từ cuộc xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy quân đội nhiều nước tăng cường khả năng phòng thủ chủ động và thụ động cho xe tăng trước các mối đe dọa từ drone, đồng thời tìm cách thay đổi thiết kế và chiến thuật sử dụng loại khí tài này. Điều này đặc biệt quan trọng đối với quân đội các nước phương Tây, vốn coi xe tăng là trọng tâm chiến lược trên bộ trong nhiều thập kỷ.

Giáp lồng bắt đầu xuất hiện trên xe tăng Nga từ năm 2021 như một giải pháp tạm thời để đối phó với các loại drone mang đầu đạn, vốn rất phổ biến ở Iraq và Syria.
Các xe tăng Nga tham gia chiến dịch ở Ukraine được trang bị giáp lồng và lưới thép khá lớn, được ví như “mai rùa”, giúp chống lại các loại drone tự sát góc nhìn thứ nhất (FPV). Loại giáp này ngày càng được hoàn thiện, không còn mang tính chắp vá như thời gian đầu, cho thấy quân đội Nga đang nỗ lực tiêu chuẩn hóa và trang bị đại trà cho các đơn vị xe tăng.
Thiết kế giáp lồng ban đầu bị các chuyên gia Ukraine và phương Tây đánh giá là không hiệu quả, nhưng sau đó cũng được áp dụng trên các xe tăng chủ lực Challenger 2, Abrams và Leopard 2 của quân đội Ukraine. Một số công ty Ukraine cũng đã thông báo sản xuất lưới thép với giá từ 20.000 đến 2 triệu đô la Mỹ để trang bị cho xe tăng chủ lực và xe bọc thép M2 Bradley.
Nhiều quốc gia khác, bao gồm Israel và Nhật Bản, cũng trang bị lồng thép và tấm che nóc tháp pháo để đối phó với các mối đe dọa từ drone, cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc bảo vệ xe bọc thép trước các cuộc tấn công từ trên không.
Admin
Nguồn: VnExpress