Từ ngày 1/7, sự kiện sáp nhập giữa Tây Ninh và Long An để thành lập tỉnh Tây Ninh mới hứa hẹn mở ra một chương mới cho ngành du lịch của khu vực. Tỉnh Tây Ninh mới sở hữu tiềm năng du lịch đa dạng, kết hợp thế mạnh du lịch tâm linh nổi tiếng của Tây Ninh với nét đặc trưng sinh thái sông nước độc đáo của Long An.
Tây Ninh từ lâu đã được biết đến là điểm đến tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước với các địa danh như núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài, chùa Gò Kén. Trong khi đó, Long An lại hấp dẫn du khách bởi hệ sinh thái đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười với những cánh rừng tràm bạt ngàn và văn hóa sông nước đặc sắc. Trước đây, mỗi địa phương phát triển các mô hình du lịch riêng biệt, nhưng sau khi sáp nhập, việc liên kết các điểm đến này trong các tour du lịch liên vùng sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.
Việc sáp nhập tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch mới. Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm) có thể được tổ chức tại các khu resort sinh thái. Du lịch thể thao với các hoạt động như chạy bộ, đạp xe xuyên rừng tràm, leo núi Bà Đen cũng là một hướng đi đầy tiềm năng. Đặc biệt, du lịch ẩm thực liên vùng, kết hợp các sản vật đặc trưng của Tây Ninh và Long An, hứa hẹn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương.

Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, chính quyền hai địa phương đã lên kế hoạch cho chương trình kích cầu du lịch chung vào năm 2025. Long An đã khởi động chương trình kích cầu với các gói hỗ trợ xúc tiến, giảm giá dịch vụ và liên kết doanh nghiệp lữ hành. Tây Ninh cũng công bố 4 dự án du lịch lớn, bao gồm khu tham quan chuyên đề, khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen và khu du lịch sinh thái kết hợp dịch vụ y khoa, dự kiến hoàn thành giai đoạn đầu vào cuối năm 2025. Sự hợp tác liên tỉnh này được kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn và phân khúc khách hàng cao cấp.
Trong bối cảnh xu hướng du lịch xanh và du lịch thông minh ngày càng được ưa chuộng, tỉnh Tây Ninh mới có nhiều cơ hội để phát triển các ứng dụng hướng dẫn tự động, bản đồ số tích hợp công nghệ AR/VR tại các di tích lịch sử. Đồng thời, mô hình du lịch cộng đồng bản địa cũng hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
Du lịch làng nghề truyền thống cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng của tỉnh Tây Ninh mới. Với hàng chục làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng bánh tráng Trảng Bàng, làng trống Bình An, du khách có thể trực tiếp trải nghiệm các công đoạn sản xuất và tìm hiểu về văn hóa địa phương.
Để khai thác tối đa lợi thế từ việc sáp nhập, Hiệp hội Du lịch Long An và Tây Ninh (cũ) đã hợp nhất vào cuối tháng 6. Hiệp hội mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các doanh nghiệp du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch bài bản, phù hợp với thế mạnh của từng vùng miền. Về lâu dài, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh kỳ vọng Hiệp hội sẽ phối hợp để xây dựng chiến lược phát triển du lịch hiệu quả cho tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa phương và với TP HCM cũng sẽ được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng bộ. Các tuyến đường như Quốc lộ 22, cao tốc TP HCM – Mộc Bài đã hoàn thành, Quốc lộ 1 được nâng cấp và mở rộng. Các dự án Vành đai 3, Vành đai 4 kết nối với khu vực Đông Nam Bộ cũng đang được triển khai. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đầu tư vào các bến thủy nội địa dọc theo các tuyến sông lớn.
Việc kết nối đường bộ và đường thủy sẽ tạo điều kiện hình thành các chuỗi tour du lịch nông nghiệp kết hợp homestay, đáp ứng nhu cầu du lịch xanh, trải nghiệm nông nghiệp và khám phá văn hóa bản địa của du khách.

Tây Ninh mới có lợi thế lớn khi nằm liền kề TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, đồng thời là cửa ngõ kết nối với miền Tây. Các chuyên gia đánh giá khu vực này còn rất nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Do đó, tỉnh đang nghiên cứu các giải pháp để kết nối sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng các chương trình xúc tiến du lịch chung.
Một lợi thế khác của tỉnh Tây Ninh sau khi sáp nhập là đường biên giới dài nhất với Campuchia, hơn 370 km, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch xuyên biên giới. Khi hạ tầng giao thông giữa hai nước ngày càng hoàn thiện, các tour du lịch ngắn ngày qua cửa khẩu và mô hình du lịch biên giới sẽ mở ra nhiều cơ hội thu hút du khách.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm (trước khi sáp nhập), Long An đã đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, trong khi Tây Ninh đón hơn 3,2 triệu lượt khách (số liệu 5 tháng đầu năm).
Admin
Nguồn: VnExpress