Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện, đặc biệt về môn Tiếng Anh, với những bình luận như “Đề quá khó” hay “Không học thêm thì không làm được”. Những nhận xét này khiến tôi suy nghĩ, trăn trở. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc không học thêm không đồng nghĩa với việc không thể học và làm bài tốt.
Chủ trương hạn chế dạy thêm, học thêm ra đời với mục đích tránh tình trạng học sinh đến lớp phụ đạo không vì nhu cầu kiến thức thực sự, mà do áp lực và lo sợ bị trù dập. Khi không còn gánh nặng học thêm, học sinh có thêm thời gian tự học, ôn tập kiến thức đã học, mở rộng hiểu biết và rèn luyện kỹ năng.
Điều này không có nghĩa là học sinh chỉ cần học trên lớp và làm bài tập một cách qua loa. Học thêm tại các trung tâm là một lựa chọn, nhưng tự học có định hướng cũng là một con đường hiệu quả và giá trị nếu học sinh (hoặc phụ huynh) biết cách đồng hành cùng con em mình.
Ví dụ, sau giờ học chính khóa, học sinh hoàn toàn có thể tự học lại từ vựng và cấu trúc ngữ pháp, tìm kiếm bài tập tương tự trên mạng để luyện tập thêm, thực hành kỹ năng nói và viết qua các ứng dụng AI, đọc tin tức hoặc sách bằng tiếng Anh, và luyện nghe qua phim, podcast hoặc video ngắn. Thời gian để thực hiện những hoạt động này có được là nhờ việc không phải chạy theo lịch học thêm dày đặc.
Con tôi từ nhỏ đã không đi học thêm bất kỳ môn nào. Thay vào đó, tôi hướng dẫn con cách học qua sách Tiếng Anh, sử dụng các công cụ AI, và theo dõi sự tiến bộ của con. Đối với các bậc phụ huynh khác, nếu không thể hỗ trợ trực tiếp, có thể tìm hiểu thông tin trên Internet, tham khảo ý kiến của các phụ huynh khác, hoặc cùng con xây dựng kế hoạch tự học rõ ràng. Lý tưởng nhất là các em học sinh cấp ba có thể chủ động vạch ra kế hoạch học tập cho riêng mình. Hiện nay, nguồn tài nguyên miễn phí rất dồi dào, từ sách nước ngoài, video bài giảng, đến các công cụ hỗ trợ học tập thông minh.
Khi xem các đoạn văn trong đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT vừa qua, cả hai con tôi (đang học tiểu học và THCS) đều không cảm thấy ngạc nhiên hay hoảng hốt, vì các dạng bài và chủ đề tương tự đã được các con tiếp xúc nhiều trong quá trình tự học và khám phá ngôn ngữ ngoài giờ học chính khóa.
Nhờ không học thêm, con tôi có thời gian chơi thể thao mỗi chiều, ăn tối cùng gia đình, xem tin tức thời sự trong nước và thế giới, làm bài tập và đọc sách Tiếng Anh. Vào cuối tuần, con dành một buổi để luyện nói và viết với sự hỗ trợ của AI. Đây là một thời khóa biểu học tập không áp lực nhưng vẫn hiệu quả và thiết thực.
Vậy nên, vấn đề không nằm ở việc học thêm hay không, mà là cách lựa chọn phương pháp tự học phù hợp. Trong thời đại mà thông tin dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết, điều quan trọng không phải là “có đi học thêm hay không?”, mà là khả năng chủ động tạo ra một hành trình học tập thực chất, phù hợp và bền vững cho mỗi học sinh (và người đồng hành).
Việc học không chỉ giới hạn trong lớp học, trung tâm hay sách giáo khoa, mà còn mở rộng ra mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và phương pháp linh hoạt. Chỉ cần có sự tò mò và khao khát hiểu biết, tôi tin rằng các em học sinh hoàn toàn có thể làm tốt bài thi mà không cần đến việc học thêm.
Admin
Nguồn: VnExpress