Châu Âu đang phải đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt, đẩy nhiệt độ lên mức kỷ lục trên 46 độ C và làm tăng nhiệt độ các dòng sông, buộc một số nhà máy điện hạt nhân phải giảm công suất hoặc tạm ngừng hoạt động do lo ngại về tác động môi trường.
Các nhà máy điện hạt nhân thường sử dụng nước từ sông hoặc biển để làm mát các lò phản ứng, sau đó xả nước đã nóng trở lại nguồn. Quá trình này có thể gây hại cho hệ sinh thái nếu nhiệt độ nước xả quá cao, đe dọa sự đa dạng sinh học.
Tại Pháp, tập đoàn năng lượng EDF đã phải tạm thời đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Golfech sau khi khu vực này được cảnh báo về nhiệt độ quá cao. EDF buộc phải điều chỉnh sản lượng điện khi nhiệt độ trung bình hàng ngày của sông Garonne, đoạn chảy qua nhà máy, vượt quá ngưỡng 28 độ C.
Tương tự, sản lượng điện cũng bị cắt giảm tại các nhà máy Blayais (miền Tây) và Bugey (miền Nam). Hai nhà máy này sử dụng nước từ sông Gironde và Rhône để làm mát, và có nguy cơ phải đóng cửa nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Năng lượng hạt nhân chiếm tới 65% sản lượng điện của Pháp, với 18 nhà máy và 57 lò phản ứng. Tuy nhiên, việc giảm sản lượng điện hạt nhân trong thời gian này không gây ảnh hưởng lớn đến lưới điện quốc gia. Theo nhà điều hành hệ thống lưới RTE, Pháp vẫn đảm bảo đủ điện cung cấp cho người dân, thậm chí còn xuất khẩu sang các nước láng giềng do sản xuất vượt nhu cầu.
Tại Thụy Sĩ, công ty Axpo, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Beznau, đã thông báo đóng cửa một trong các lò phản ứng từ ngày 1/7. Lò phản ứng thứ hai hiện vẫn hoạt động nhưng ở công suất giới hạn do nhiệt độ nước sông Aare tăng cao. Beznau là một trong ba nhà máy điện hạt nhân của Thụy Sĩ. Quốc gia này có kế hoạch loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2033, nhưng các nhà máy hiện tại vẫn có thể tiếp tục hoạt động nếu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
Các chuyên gia dự báo rằng, khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng, nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ thường xuyên đạt đỉnh trong các đợt nắng nóng, gây áp lực lớn lên hệ thống điện.

Đợt nắng nóng khắc nghiệt đang lan rộng khắp châu Âu. Tại Bồ Đào Nha, hai phần ba diện tích đất nước đã được đặt trong tình trạng báo động do nhiệt độ cực đoan và nguy cơ cháy rừng cao. Italia, Hy Lạp, Thụy Sĩ và Đức cũng đã đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Pháp đã ghi nhận hai trường hợp tử vong do sốc nhiệt và ban hành cảnh báo đỏ về nhiệt độ (mức cao nhất) tại 16 tỉnh, bao gồm cả thủ đô Paris. Nhiệt độ ở Paris tăng cao đến mức tháp Eiffel phải tạm ngừng đón khách lên đỉnh tháp trong hai ngày 1 và 2/7, đồng thời kêu gọi du khách hạn chế ra ngoài, che chắn cẩn thận và uống đủ nước.
Admin
Nguồn: VnExpress