Theo Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, Cytomegalovirus (CMV) là một loại virus thuộc họ Herpes, tương tự như virus gây bệnh thủy đậu và giời leo, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho thai nhi nếu người mẹ nhiễm bệnh trong thai kỳ. Virus CMV có khả năng lây truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, gây ra tình trạng mất thính giác và các vấn đề về thần kinh giác quan ở trẻ sơ sinh. Tình trạng mất thính lực có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tai, tiến triển từ nhẹ đến nặng trong hai năm đầu đời, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Rubella cũng là một loại virus nguy hiểm khác có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở trẻ nếu người mẹ mắc bệnh trong giai đoạn đầu thai kỳ. Trẻ bị nhiễm rubella có thể bị điếc, mắc bệnh tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, viêm não, chậm phát triển tâm thần và động kinh. Virus rubella lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua các giọt bắn hô hấp từ dịch tiết mũi họng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên ở niêm mạc đường hô hấp và hạch bạch huyết cổ, sau đó lan đến các cơ quan khác qua hệ tuần hoàn. Thời gian lây nhiễm kéo dài từ 8 ngày trước đến 8 ngày sau khi phát ban.
Bác sĩ Hằng lưu ý rằng các triệu chứng của nhiễm virus rubella và CMV thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh cúm thông thường như sốt, nghẹt mũi, đau họng, đau cơ và mệt mỏi. Điều này khiến nhiều người bệnh chủ quan và bỏ qua việc điều trị kịp thời.

Điển hình như trường hợp bé An, có mẹ không tiêm phòng rubella trước khi mang thai và mắc bệnh trong tháng thứ hai của thai kỳ. Kết quả tầm soát thính lực sau sinh cho thấy bé bị điếc bẩm sinh do nhiễm virus rubella từ mẹ. Bé đã được chỉ định cấy ốc tai điện tử khi đủ 12 tháng tuổi và được thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khi 18 tháng tuổi. Hiện tại, sau 6 tháng can thiệp, bé đang được các giáo viên chuyên biệt hỗ trợ để nhận biết và phân biệt âm thanh.
Ngoài các bệnh nhiễm virus, các yếu tố khác như nhiễm Toxoplasma và Herpes simplex, uống rượu hoặc không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường trong thai kỳ, tiền sản giật… cũng có thể gây điếc bẩm sinh ở trẻ. Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng đối với trẻ bị điếc bẩm sinh, vì giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi là “thời gian vàng” để cấy ốc tai điện tử, phục hồi thính lực và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bình thường.
Để phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng trong thai kỳ, bác sĩ Hằng khuyến cáo phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B… Trong quá trình mang thai, cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ và thực hiện các xét nghiệm tầm soát rubella, CMV, toxoplasma… nếu có nguy cơ. Sau khi sinh, phụ huynh nên thực hiện sàng lọc nghe kém cho trẻ sơ sinh, theo dõi các mốc phát triển ngôn ngữ và đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Admin
Nguồn: VnExpress