Trong cuộc sống hiện đại hối hả, nhiều người có thói quen ăn nhanh khi đang đứng, đặc biệt là tại nơi làm việc hoặc khi di chuyển. Tuy nhiên, theo chuyên gia tiêu hóa Peyton Berookim từ Viện Tiêu hóa Nam California (Mỹ), thói quen này có thể gây hại cho hệ tiêu hóa.
Bác sĩ Berookim giải thích rằng, khi đứng, trọng lực làm máu dồn xuống chân, gây cản trở lưu thông máu đến hệ tiêu hóa. Điều này làm giảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiêu hóa.
Thêm vào đó, việc đứng ăn thường dẫn đến việc nhai nhanh, nuốt vội, khiến chúng ta dễ nuốt phải không khí, gây ra tình trạng đầy hơi, khó chịu. Dạ dày cũng cần nhiều thời gian hơn để xử lý thức ăn khi chúng ta ăn quá nhanh.
Ngược lại, khi chúng ta ngồi ăn một cách thoải mái và dành thời gian thưởng thức bữa ăn, cơ thể sẽ bước vào trạng thái thư giãn. Một nghiên cứu trên tạp chí Y học Tích hợp (Mỹ) đã chỉ ra rằng việc nhai chậm, cảm nhận hương vị và loại bỏ các yếu tố gây xao nhãng giúp duy trì sự cân bằng của hệ thần kinh tự chủ, từ đó thúc đẩy chức năng tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Bác sĩ Berookim nhấn mạnh: “Ngồi ăn thường kéo dài thời gian dùng bữa, mang lại cảm giác bình tĩnh, hỗ trợ hệ tiêu hóa và cải thiện tâm trạng.”
Một nghiên cứu khác vào năm 2019, được đăng trên tạp chí Người tiêu dùng Mỹ, cũng cho thấy rằng tư thế đứng có thể làm giảm khả năng cảm nhận hương vị của món ăn. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn ở tư thế đứng thường đánh giá đồ ăn kém ngon hơn và thậm chí không nhận ra sự khác biệt khi thực phẩm được thêm muối so với ban đầu.

Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho biết khi đứng, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu lên não, dẫn đến việc cơ thể giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol, làm giảm độ nhạy của vị giác.
Mặc dù việc đứng ăn có thể giúp giảm lượng thức ăn tiêu thụ, điều này có lợi cho những người muốn kiểm soát cân nặng, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc trải nghiệm ăn uống không được trọn vẹn và cơ thể thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng.
Tuy nhiên, không phải lúc nào ngồi ăn cũng là lựa chọn tốt nhất. Đối với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, việc đứng hoặc đi lại nhẹ nhàng sau bữa ăn có thể giúp giảm áp lực trong dạ dày và hạn chế các triệu chứng ợ nóng khó chịu.
Bác sĩ Berookim đưa ra lời khuyên: “Cả hai tư thế đứng và ngồi khi ăn đều có những ưu và nhược điểm riêng. Điều quan trọng là chúng ta cần lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh.”
Ngoài ra, việc ăn uống trong trạng thái mất tập trung, dù là đứng hay ngồi, đều làm tăng nguy cơ ăn quá nhiều. Harvard Health Publishing (Trường Y Harvard) cho biết não bộ cần khoảng 20 phút để nhận biết cảm giác no. Do đó, nếu chúng ta ăn quá nhanh hoặc vừa ăn vừa làm việc khác, chúng ta có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết và hệ tiêu hóa cũng hoạt động kém hiệu quả hơn.
Thói quen ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến trẻ em và gia đình. Theo báo cáo của Học viện Nhi khoa Mỹ, thời gian các gia đình cùng ngồi ăn tối đã giảm 30% trong 30 năm qua.
Trong khi đó, trẻ em thường xuyên ăn tối cùng gia đình thường có xu hướng ăn uống lành mạnh hơn, đạt kết quả học tập tốt hơn, phát triển ngôn ngữ tốt hơn và ít có nguy cơ sử dụng các chất kích thích.
Admin
Nguồn: VnExpress