Bệnh viện Nhân dân 115 vừa tiếp nhận một trường hợp cấp cứu đặc biệt nghiêm trọng, một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác sâu sắc. Bệnh nhân mất phương hướng về không gian và thời gian, liên tục la hét, kích động và có những hành vi vận động vô thức, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Các xét nghiệm ban đầu cũng cho thấy dấu hiệu tổn thương thận cấp tính.
Quá trình điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều trở ngại do không thể thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý. Rào cản ngôn ngữ kết hợp với tình trạng rối loạn tri giác càng khiến tình hình trở nên phức tạp. Sau khi xác định bệnh nhân là người Hàn Quốc, bệnh viện đã phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 và Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam để xác minh danh tính và liên hệ với gia đình.
Để xác định nguyên nhân, các bác sĩ đã tiến hành nhiều xét nghiệm chuyên sâu và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy loại trừ được các khả năng như nhiễm trùng thần kinh trung ương, rối loạn chuyển hóa, chấn thương sọ não và đột quỵ. Dựa trên các dữ liệu thu thập được, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O, thường được biết đến với tên gọi “bóng cười”.
Sau 13 ngày điều trị tích cực, bao gồm kiểm soát hành vi, truyền dịch và theo dõi sát sao, chức năng thận của bệnh nhân đã phục hồi tốt. Tri giác của người đàn ông cũng dần cải thiện, các chỉ số sinh tồn ổn định trở lại.
“Bóng cười” thực chất là tên gọi thông thường của khí N2O, một loại khí không màu, có mùi ngọt nhẹ. Trong y tế, N2O được sử dụng hợp pháp trong nha khoa và sản khoa như một chất gây mê nhẹ. Tuy nhiên, việc lạm dụng N2O cho mục đích giải trí có thể biến nó thành một chất gây ảo giác nguy hiểm, đặc biệt khi hít trực tiếp với liều cao hoặc trong không gian kín.
Việc sử dụng “bóng cười” có thể gây ra nhiều triệu chứng thần kinh nghiêm trọng như dị cảm, yếu chi, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, thậm chí thoái hóa tủy sống. Khí N2O còn có thể gây ra các rối loạn tâm thần cấp tính với các biểu hiện như ảo thanh, hoang tưởng, kích động hoặc mê sảng. Nguy hiểm hơn, người sử dụng có thể bị suy hô hấp và ngưng tim do thiếu oxy hoặc do ức chế trung tâm hô hấp khi dùng liều cao. Rối loạn nhịp tim và đột tử cũng là những nguy cơ tiềm ẩn, đặc biệt khi sử dụng kết hợp với các chất kích thích khác như rượu, cocaine, ketamine hoặc khi cơ thể thiếu vitamin B12.
Đáng lo ngại, nhiều người vẫn còn chủ quan, xem nhẹ tác hại của “bóng cười”, dẫn đến lạm dụng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. “Bóng cười” được xếp vào nhóm chất gây nghiện, ảo giác, và người sử dụng thường có xu hướng tăng liều, dẫn đến sự phụ thuộc tương tự như các loại ma túy khác. Theo quy định, từ ngày 1/1/2025, Việt Nam sẽ chính thức cấm kinh doanh và sử dụng “bóng cười” có chứa khí gây nghiện.
Admin
Nguồn: VnExpress