Caroline Mitchell, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy trên bảng xếp hạng New York Times, đã chia sẻ những kinh nghiệm rút ra từ việc áp dụng phương pháp viết của Stephen King, “ông vua truyện kinh dị,” sau khi tham khảo cuốn “On Writing” (Chuyện nghề viết) của ông. Trong một bài viết trên blog cá nhân hồi tháng 6, Mitchell đã trình bày chi tiết quá trình thử nghiệm kéo dài 14 ngày và những bài học quý giá mà bà học được.
**Đi bộ giúp khơi nguồn sáng tạo**
Một trong những lời khuyên của Stephen King trong “On Writing” là đi bộ mỗi ngày để giữ cho bộ não hoạt động trơn tru. Đi bộ giúp tăng cường lưu thông máu đến vỏ não trước trán, khu vực chịu trách nhiệm về khả năng tập trung, ra quyết định và ghi nhớ. Nghiên cứu của Stanford năm 2014 cho thấy hoạt động này có thể tăng khả năng tư duy sáng tạo lên đến 60%. Caroline Mitchell cũng chỉ ra rằng nhiều nhà văn nổi tiếng khác như Charles Dickens và Virginia Woolf cũng áp dụng phương pháp này.

**Không gian viết yên tĩnh và riêng tư**
Stephen King từng viết những tác phẩm đầu tiên của mình trong phòng giặt. Khu vực sáng tác lý tưởng của ông là nơi không có internet và mạng xã hội. Theo King, không gian viết có thể khiêm tốn nhưng phải là nơi thuộc về bạn, “chỉ cần một nơi để viết trong yên bình”. Một căn phòng có cửa để ngăn tiếng ồn và các tác động bên ngoài, một chiếc bàn, một chiếc ghế và một bản nhạc yêu thích là những yếu tố cần thiết. King chia sẻ: “Tôi nghe nhạc rock”.

**Viết đều đặn mỗi ngày**
Stephen King quan niệm rằng viết lách là để làm giàu vốn sống cho độc giả và cho chính bản thân mình, để trở nên hạnh phúc hơn. Ông duy trì thói quen viết 2.000 từ mỗi ngày, kể cả ngày cuối tuần và ngày lễ. Với lịch trình này, một cuốn tiểu thuyết dài 180.000 từ có thể được hoàn thành trong vòng ba tháng. Mỗi sáng, ông đọc lại những gì đã viết ngày hôm trước để ôn lại nội dung và hòa mình vào thế giới văn chương. Ông cho rằng nếu không viết mỗi ngày, các nhân vật sẽ trở nên mờ nhạt, chỉ còn là những cái tên trên trang giấy, và ông sẽ mất liên kết với cốt truyện, khiến mạch truyện đi chệch hướng và nhiệt huyết suy giảm.

**Viết theo trực giác, không lập dàn ý**
Stephen King là người viết theo trực giác, không lập dàn ý trước. Ông thường bắt đầu với một tình huống và từ đó triển khai mạch truyện. Ông từng nói: “Lập dàn ý là lựa chọn cuối cùng”. Caroline Mitchell nhận xét rằng cách viết của King giống như “ngồi sau tay lái mà không có bản đồ”. Người viết theo trực giác có thể tự do sáng tạo cốt truyện, nhưng cũng dễ bị mất phương hướng và chán nản trước khi hoàn thành tác phẩm. Ngược lại, việc lập dàn ý có thể giúp tiết kiệm thời gian, hiểu rõ nhân vật, phát hiện lỗi logic và tạo ra một cấu trúc mạch lạc cho câu chuyện.
**Tập trung tuyệt đối khi viết**
Stephen King dường như “biến mất” khi bắt đầu viết. Ông hoàn toàn tập trung vào việc sáng tác, đạt đến trạng thái “dòng chảy” (flow state). Khi đạt đến trạng thái này, khái niệm thời gian dường như tan biến và bộ não hoạt động hết công suất.
**Biên tập kỹ lưỡng**
Sau sáu tuần, Stephen King đọc lại bản thảo đầu tiên và bắt đầu chỉnh sửa. Ông áp dụng công thức biên tập: “Bản thảo thứ hai bằng bản thảo thứ nhất trừ đi 10%”, tức là loại bỏ những gì không cần thiết. Ông chú trọng chuyển câu bị động sang chủ động, loại bỏ trạng từ thừa, ưu tiên sử dụng động từ mạnh và miêu tả vừa đủ để người đọc tự do tưởng tượng. Ngoài ra, ông tự hỏi: “Câu chuyện có liền mạch không?” và xem xét động cơ của nhân vật. King chỉnh sửa bản thảo hàng chục lần trước khi gửi đi.
Caroline Mitchell đánh giá cao tính hiệu quả của phương pháp Stephen King, đặc biệt là sự đều đặn và khả năng tạo thói quen lâu dài. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng không nhất thiết phải sao chép hoàn toàn phương pháp của King. Bà khuyên những người mới bắt đầu nên viết theo cấu trúc để tránh mất phương hướng và bỏ cuộc. Mitchell kết luận: “Sáng tác rất khó. Tìm được nhịp điệu còn khó hơn, hãy thử viết và lặp lại điều đó, bạn sẽ tìm ra cách viết của riêng mình”.
Nhiều tác giả đã áp dụng những bí quyết của Stephen King và nhận thấy một số phương pháp như đọc lại những gì đã viết và tạo không gian riêng cho việc sáng tác là rất hiệu quả. Kevin Nokia, một cây viết trên Medium, nhận xét: “Mỗi người có tính cách, quy trình làm việc và mục tiêu khác nhau, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ các nhà văn nổi tiếng để cải thiện kỹ năng viết của mình”.
**Thông tin thêm về tác giả**
Stephen King, 77 tuổi, là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, được biết đến với các tác phẩm kinh dị và siêu nhiên như “It”, “The Shining” và “Doctor Sleep”, nhiều trong số đó đã được chuyển thể thành phim. Ông bắt đầu sự nghiệp viết văn chuyên nghiệp vào năm 1967 với cuốn “The Glass Floor” và đã xuất bản hơn 60 cuốn sách cho đến nay.
Caroline Mitchell là một cựu cảnh sát và là một tác giả người Ireland. Bà chuyên viết tiểu thuyết trinh thám và tâm lý tội phạm, bao gồm các tác phẩm như “Silent Victim” (2018) và “Truth and Lies” (2018). Các tác phẩm của bà đã lọt vào danh sách đề cử của nhiều giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Audie năm 2022, và đã trở thành những cuốn sách bán chạy ở Anh, Mỹ và Australia. Mitchell cũng là người sáng lập Brave The Page, một khóa học viết văn trực tuyến dành cho các nhà văn mới.
Admin
Nguồn: VnExpress