Năm 2019, anh Cường trải qua phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn, tuy nhiên, kích thước vùng kín của anh lại bị teo nhỏ, ảnh hưởng đến chức năng nội tiết. Để duy trì chức năng sinh dục, anh phải bổ sung hormone testosterone, nhưng cơ hội có con là rất thấp.
Năm ngoái, anh tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) để điều trị. Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy anh không có tinh trùng, tinh hoàn có kích thước siêu nhỏ, chỉ khoảng 1-2 ml (trong khi bình thường là 15-20 ml), và bị suy sinh dục do giảm nội tiết từ tuyến yên.
Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Dương Quang Huy, Trưởng đơn vị Nam học, cho biết tình trạng tinh hoàn ẩn của anh Cường được phát hiện quá muộn, dẫn đến tổn thương tinh hoàn do nằm trong ổ bụng trong thời gian dài. Thêm vào đó, việc bổ sung testosterone kéo dài nhiều năm sau phẫu thuật khiến tuyến yên ngừng sản xuất các nội tiết sinh dục để kích hoạt tinh hoàn tiết hormone này. Bác sĩ Huy nhấn mạnh đây là hai nguyên nhân chính gây ra tình trạng không có tinh trùng và vô sinh ở bệnh nhân.

Do mỗi nguyên nhân đòi hỏi một hướng điều trị khác nhau, bác sĩ Huy đã xây dựng một phác đồ kết hợp cả nội khoa (sử dụng thuốc) và ngoại khoa (phẫu thuật) để điều trị toàn diện và hiệu quả. Anh Cường được chỉ định bổ sung nhóm hormone hướng sinh dục (FSH, LH…) theo phác đồ phù hợp trong vòng 12 tháng. Các hormone này có tác dụng tương tự như hormone nội sinh từ tuyến yên, kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone và tinh trùng. Anh thường xuyên tái khám để theo dõi khả năng đáp ứng thuốc.
Tháng trước, mặc dù xét nghiệm tinh dịch đồ của anh Cường vẫn không có tinh trùng, nhưng các chỉ số nội tiết và thể tích tinh hoàn đã cải thiện đáng kể. Bác sĩ Huy và ê-kíp quyết định thực hiện vi phẫu micro-TESE để tìm tinh trùng từ tinh hoàn, phục vụ cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với trứng của vợ anh.

Nhờ hệ thống kính vi phẫu phóng đại gấp 30 lần, các bác sĩ đã tìm thấy một vài ống sinh tinh tiềm năng ở cả hai bên tinh hoàn. Chuyên viên phôi học, dưới kính hiển vi phóng đại gấp 300 lần, đã thu được 30 tinh trùng đủ điều kiện. Một nửa số tinh trùng được tiêm vào bào tương noãn (kỹ thuật ICSI) và nuôi cấy trong hệ thống tủ động học tối ưu, tạo ra 8 phôi ngày 5 chất lượng tốt. Số tinh trùng còn lại được trữ đông để vợ chồng anh Cường có thể thực hiện thêm một chu kỳ IVF trong tương lai mà không cần phẫu thuật.
Hiện tại, vợ anh Cường đang được chuẩn bị niêm mạc tử cung để sẵn sàng cho quá trình chuyển phôi và mang thai. Anh Cường tiếp tục điều trị nội tiết để đảm bảo sức khỏe tổng thể và chức năng sinh lý nam.
Tinh hoàn ẩn là tình trạng một hoặc cả hai tinh hoàn không xuống được bìu sau khi bé trai chào đời, mà vẫn nằm trong ống bẹn, ổ bụng hoặc các vị trí khác. Bác sĩ Huy cho biết nếu không được điều trị sớm, tình trạng này có thể gây tổn thương nghiêm trọng, xơ hóa và thoái hóa các ống sinh tinh, giảm số lượng tế bào mầm, dẫn đến vô sinh khi trưởng thành. Việc điều trị không đúng cách cũng có thể gây suy sinh dục do giảm nội tiết từ tuyến yên.
Đa số trường hợp tinh hoàn ẩn không gây đau hoặc khó chịu, dẫn đến việc phát hiện muộn. Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa Nhi để khám và điều trị nếu thấy vùng bìu của trẻ không cân xứng, một bên bình thường, bên còn lại nhỏ hoặc xẹp, hoặc cả hai bên đều xẹp. Nam giới độc thân cũng có thể tự kiểm tra tinh hoàn để phát hiện bệnh lý và phẫu thuật càng sớm càng tốt. Bác sĩ Huy khuyến cáo nên phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn trước tuổi dậy thì để giảm nguy cơ tổn thương tinh hoàn. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số trường hợp cần điều trị nội tiết để cải thiện chức năng sản xuất nội tiết và tinh trùng.
Tại IVF Tâm Anh, các bác sĩ đã điều trị thành công cho nhiều nam giới vô sinh, giúp họ có con và cải thiện chức năng sinh lý, thông qua phác đồ điều trị nội khoa, vi phẫu micro-TESE hoặc kết hợp cả hai phương pháp.
*Tên người bệnh đã được thay đổi.
Admin
Nguồn: VnExpress