Matsushita Konosuke, người được mệnh danh là “thánh kinh doanh” hay “ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật”, đã trải qua một cuộc đời đầy chiêm nghiệm sâu sắc về bản chất con người, bắt nguồn từ những biến cố gia đình.
Sinh năm 1894 trong một gia đình khá giả với bảy người con, nhưng sau đó gia đình ông phải đối mặt với sự phá sản do kinh doanh thất bại. Khi Matsushita mới chỉ 4 tuổi, gia đình ông mất hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn, dẫn đến cảnh ly tán. Năm 9 tuổi, ông rời quê hương đến Osaka để làm thuê. Thời gian này đã giúp ông học được những nguyên tắc cơ bản đầu tiên trong kinh doanh.
Tuy nhiên, những bi kịch liên tiếp ập đến với Matsushita khi cha mẹ và sáu anh chị em của ông qua đời vì bệnh lao. Sự mất mát liên tục này khiến ông suy tư sâu sắc về ý nghĩa của sự sống, cái chết và thân phận con người.
Sau thời gian dài suy ngẫm, Matsushita Konosuke đúc kết rằng “Con người là một tồn tại vĩ đại”, “mỗi người đều sở hữu một viên kim cương” và là “vua của vạn vật”. Từ đó, ông cho rằng bản thân phải có trách nhiệm tương xứng với phẩm giá cao quý đó. Ông nhấn mạnh: “Chính vì con người là vua, nên phải hoàn thành trách nhiệm của một bậc vua chúa”.
Ông tin rằng chiến tranh và bạo lực đều xuất phát từ việc xem thường người khác. Ngược lại, khi tin rằng “con người có phẩm giá bất khả xâm phạm”, sự tôn trọng và trách nhiệm sẽ tự nhiên nảy sinh. Theo ông, bi kịch của thời đại bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rằng “con người nhỏ bé”, dẫn đến việc chỉ đòi hỏi những trách nhiệm nhỏ nhoi. Khi được hỏi về triết lý sống của mình, ông gói gọn trong cụm từ “lấy con người làm trọng” (ningen daiji).
Năm 1918, ở tuổi 23, Matsushita Konosuke khởi nghiệp với một công ty nhỏ chuyên sản xuất đồ điện, tiền thân của Tập đoàn Panasonic sau này. Sản phẩm đầu tiên của công ty là một loại đui đèn cải tiến.
Tại công ty của mình, triết lý “lấy con người làm trọng” được ông áp dụng triệt để vào hoạt động kinh doanh, trở thành nền tảng quản trị của toàn tập đoàn. Matsushita coi nhân viên, khách hàng và cả những người không phải là khách hàng là những “con người vĩ đại”.
Theo ông, sứ mệnh của nhà công nghiệp là tạo ra “sản phẩm tốt, giá rẻ, với số lượng lớn”. Mục tiêu này không chỉ đơn thuần là tối đa hóa lợi nhuận, mà còn là vì nếu không làm như vậy, sẽ có lỗi với mọi người.
Ông luôn chủ trương giá cả phải hợp lý, đảm bảo tinh thần “ba bên cùng có lợi”: có lợi cho khách hàng, có lợi cho công ty và có lợi cho xã hội. Matsushita khẳng định kinh doanh gian dối là một tội ác đối với con người.
Đối với nhân viên, ông không dễ dàng sa thải mà luôn tìm cách cùng nhau vượt qua khó khăn. Hạnh phúc của nhân viên được đặt lên trên lợi nhuận. Ông không ngừng động viên, truyền cảm hứng và bày tỏ lòng biết ơn đối với họ.
Đối với sản phẩm, Matsushita áp dụng nguyên tắc “tuyệt đối không hạ giá bán”. Còn đối với bản thân, ông luôn xác định “bất luận trong trường hợp nào cũng không thể để mất đi lòng tự tin”.
Kết quả của triết lý này là những thành tựu kinh doanh vượt xa mong đợi.
Đến năm 1931, phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng của Matsushita đã lan rộng khắp cả nước với 200 loại sản phẩm điện khác nhau, bao gồm dụng cụ nối điện, dụng cụ nhiệt điện, máy thu thanh và pin. Số lượng công nhân đã lên tới hơn 1.000 người. Năm 1935, xưởng sản xuất của Matsushita chính thức trở thành Công ty Công nghiệp Điện khí Matsushita. Năm 1938, công ty này chế tạo thành công mô hình máy thu hình (TV). Đến năm 1941, công ty của Matsushita đã trở thành một doanh nghiệp lớn với hơn 10.000 công nhân.
Từ hai bàn tay trắng, Matsushita Konosuke đã xây dựng một tập đoàn trị giá 7.000 tỷ yen (tương đương khoảng 44 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) trong suốt 70 năm sự nghiệp của mình.

Mặc dù đạt được những thành công to lớn, Matsushita Konosuke luôn tự nhận mình chỉ là một người bình thường vì không có bằng cấp, sức khỏe yếu và không có gia đình để nương tựa.
Tuy nhiên, ông không hề cảm thấy tự ti. Sự phi thường của ông nằm ở chỗ biến chính những điều “bình thường” đó thành động lực. Việc thừa nhận mình không biết gì giúp ông luôn sẵn sàng lắng nghe những “con người vĩ đại” xung quanh để hoàn thiện bản thân.
Giữ vững ý thức của một “người bình thường” và xây dựng nhân sinh quan “con người thật vĩ đại” chính là triết lý giúp Matsushita Konosuke gặt hái được những thành công to lớn, cả trên phương diện một nhà kinh doanh lẫn một con người.
Admin
Nguồn: VnExpress