Tại trấn Sa Hồ, tỉnh Hồ Bắc, người dân địa phương đều dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho bà Yang Shouyu, 59 tuổi, người phụ nữ được trìu mến gọi là “người mẹ ghế gỗ”. Cuộc đời bà là minh chứng cho nghị lực phi thường và lòng nhân ái bao la.

Năm hai tuổi, một cơn bệnh bại liệt đã cướp đi khả năng vận động bình thường của bà Yang, khiến nửa người bị liệt. Dù không thể tiếp tục đến trường sau lớp một, bà không ngừng tự học tại nhà. Tình cờ xem được chương trình truyền hình về người khuyết tật tập đi bằng ghế gỗ, bà đã nhờ cha đóng cho mình hai chiếc ghế nhỏ. Kể từ đó, bà miệt mài tập luyện, dùng hai chiếc ghế làm phương tiện di chuyển. Dù tay rướm máu, đầu gối trầy xước, bà vẫn kiên trì không bỏ cuộc.
Sau nhiều năm nỗ lực, bà dần dần có thể tự di chuyển, rồi học nấu ăn, làm việc nhà và chăm sóc cháu. Từ một người từng bị xem là gánh nặng, bà đã trở thành niềm tự hào của gia đình và xóm giềng.
Năm 1992, bà kết hôn với ông Chen Hanqiu, một người đàn ông khuyết tật do di chứng viêm màng não từ nhỏ. Hai người mở một tiệm tạp hóa nhỏ, bà Yang đảm nhận việc trông coi cửa hàng, nuôi gà vịt, còn ông Chen lo việc lấy hàng, trồng rau và làm đồng. Họ có hai cô con gái. Nhờ sự chăm chỉ và đồng lòng, họ đã xây dựng được một ngôi nhà hai tầng khang trang.
Tuy nhiên, năm 2005, một biến cố ập đến khi ông Chen đột ngột qua đời vì xuất huyết não. Bà Yang một mình gánh vác trách nhiệm nuôi hai con gái còn thơ dại và mẹ chồng đã 80 tuổi.
Mất đi nguồn vốn duy trì cửa hàng, bà chuyển sang nghề sửa giày dép. Vào những tháng hè vắng khách, bà lái xe ba bánh đi bán kem. Bà còn trồng rau, nuôi hàng chục con gà, vịt, ngỗng để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho con ăn học.

Khi có người khuyên bà nên cho con nghỉ học sau cấp hai để học nghề, bà kiên quyết phản đối: “Chúng nó sinh ra đã thiệt thòi, tôi không thể để tụi nó thua thiệt thêm nữa”.
Đến khi không còn đủ sức xoay xở, bà đã tìm đến chương trình “Vì bạn phục vụ” của Đài truyền hình Sở Thiên (Vũ Hán) để chia sẻ về hành trình đầy gian nan của mình. Câu chuyện của bà đã gây xúc động mạnh mẽ và nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của rất nhiều khán giả.
Trong số những người gọi điện đến chương trình, có một người đàn ông tên Li Hongju, đến từ Kinh Châu, tỉnh Hồ Bắc. Ông không chỉ gọi điện để an ủi mà còn bày tỏ: “Tôi muốn giúp cô sống tiếp”.
Ông Li từng trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ và sống cô đơn sau khi con trai bị vợ cũ giành quyền nuôi dưỡng. Ông vô cùng cảm phục nghị lực của bà Yang và muốn động viên, giúp đỡ bà vượt qua khó khăn.
Sau một thời gian trò chuyện, ông Li ngỏ lời yêu nhưng bà Yang đã từ chối. Không nản lòng, ông vẫn luôn bên cạnh bà, động viên, an ủi mỗi khi bà mệt mỏi.
Sáu tháng sau, ông Li bày tỏ mong muốn đến thăm nhà bà. Cô con gái lớn của bà Yang đã nói với mẹ: “Mẹ phải nói rõ với chú ấy đừng bốc đồng. Nếu chú ấy thật lòng muốn trở thành người nhà mình, thì sự đầu tư hôm nay sẽ được đền đáp xứng đáng trong tương lai”.
Khi ông Li đến, ông mang theo hai vali lớn. Bà Yang nghẹn ngào hỏi: “Anh cần tôi vì điều gì?”. Ông cười và đáp: “Tôi cần cô vì cô không đi được, nhà nghèo, còn phải chăm sóc mẹ chồng. Nhưng trên hết, tôi cần sự lạc quan và nghị lực phi thường của cô để nuôi dạy hai con thành người”.
Người thân và hàng xóm đều nghĩ rằng ông Li sẽ sớm rời đi. Thế nhưng, một tháng sau, họ đã đăng ký kết hôn, xây một căn nhà ngói mới và mở một xưởng xay lúa. Hai cô con gái bắt đầu gọi ông là bố.
“Chúng nó thích ăn cơm bố nấu, có chuyện gì cũng kể với bố trước. Tôi giống như mẹ kế, ông ấy mới là bố ruột”, bà Yang cười nói.
Gia đình sống nhờ vào xưởng xay lúa, nghề sửa giày, bán rau và trứng để nuôi hai con ăn học. Cô con gái lớn thi đỗ vào một trường điểm, sau đó trở thành nghiên cứu sinh tại một trường đại học danh tiếng và được cử đi Thụy Sĩ học tập. Năm 2016, cô con gái út cũng đỗ vào một trường đại học ở Bắc Kinh.
Không chỉ là một người mẹ vĩ đại, bà Yang còn là một người con dâu hiếu thảo. Trước khi qua đời, mẹ chồng cũ của bà đã nghẹn ngào nói: “Đời này mẹ nợ con quá nhiều”.
Sau đó, bà Yang đã đón mẹ của ông Li về sống chung. Hai cô con gái thường xuyên gội đầu, giặt giũ, trò chuyện và mua đồ ăn vặt cho bà nội kế. “Bố không coi tụi con là người ngoài, thì tụi con cũng sẽ coi bà như bà nội ruột”, cô con gái út tâm sự.
Năm 2023, gia đình bà Yang và ông Li vinh dự được bình chọn là “Gia đình đẹp nhất Trung Quốc”. Trên sân khấu nhận giải, người phụ nữ khuyết tật xúc động nói: “Danh hiệu này tôi không dám nhận, vì còn rất nhiều gia đình đẹp hơn. Nhưng so với quá khứ, mỗi ngày hôm nay đều là ngày đẹp nhất đối với tôi”.
Ông Li cũng được vinh danh là một trong “Mười tấm gương đạo đức cảm động Tiên Đào” – danh hiệu cao quý dành cho những công dân truyền cảm hứng nhất thành phố.
Hiện nay, cô con gái lớn của bà Yang đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Thụy Sĩ với một công việc ổn định. Cô con gái út sống và làm việc tại Bắc Kinh. Cuộc sống của ba mẹ con từng chìm trong bóng tối, giờ đây đã tràn ngập ánh sáng và niềm vui.
“Ngày xưa, tôi mơ cũng không dám mơ, nhưng giờ cuộc đời tôi còn ngọt ngào hơn cả giấc mơ”, bà Yang mỉm cười chia sẻ.
Admin
Nguồn: VnExpress