Dự luật chi tiêu công và giảm thuế, còn được biết đến với tên gọi “Đạo luật to đẹp” (OBBBA), đã chính thức được thông qua và ký thành luật vào đầu tháng 7 vừa qua, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tài khóa của Mỹ.
Việc ban hành OBBBA đồng nghĩa với việc trần nợ công của Hoa Kỳ được nâng thêm 5.000 tỷ USD, từ mức 36.100 tỷ USD hiện tại. Động thái này nhằm giải tỏa những lo ngại về khả năng chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ, một nguy cơ mà các nhà phân tích đã cảnh báo có thể xảy ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 nếu trần nợ không được điều chỉnh. Trước đó, thị trường đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn khi lợi suất trái phiếu kho bạc đáo hạn tháng 8 tăng lên do lo ngại về “X-date” – thời điểm Bộ Tài chính cạn kiệt tiền mặt để thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Mặc dù việc thông qua OBBBA giúp loại bỏ nguy cơ vỡ nợ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó lại làm dấy lên những quan ngại sâu sắc hơn về tình hình tài chính của nước Mỹ. Các chuyên gia dự báo rằng đạo luật này sẽ làm tăng thêm khoảng 3.400 tỷ USD vào tổng nợ công trong vòng một thập kỷ tới. Điều này dẫn đến lo ngại về sự gia tăng nguồn cung trái phiếu kho bạc Mỹ, trong khi nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, có dấu hiệu suy giảm.
Theo các nhà phân tích, OBBBA làm gia tăng những lo ngại mang tính cấu trúc đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, đặc biệt là vấn đề thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công ở mức cao và rủi ro lạm phát tiềm ẩn. Tập đoàn BlackRock cũng đã lên tiếng cảnh báo về việc các nhà đầu tư nước ngoài đang dần mất hứng thú với trái phiếu kho bạc Mỹ, điều này có thể đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn nữa.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính rằng OBBBA có thể gây ra khoản hụt thu ngân sách lên tới 4.500 tỷ USD, đồng thời cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD và khiến khoảng 10,9 triệu người mất bảo hiểm y tế (Medicaid) trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, đạo luật này cũng có những mặt tích cực, như việc cho phép doanh nghiệp khấu trừ toàn bộ chi phí đầu tư thiết bị, nghiên cứu và phát triển, cùng với nhiều ưu đãi thuế khác, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư lo ngại rằng gánh nặng nợ công có thể hạn chế tác động kích thích kinh tế từ các biện pháp ưu đãi. Một số chuyên gia kỳ vọng luật sẽ giúp tăng trưởng GDP Mỹ thêm 0,5% trong năm tới, nhưng cũng cảnh báo rằng thị trường có thể đang quá chủ quan trước rủi ro lợi suất dài hạn tăng cao.
Phản ứng của thị trường trái phiếu sau khi OBBBA được thông qua khá thận trọng. Một phần là do những lo ngại về thâm hụt ngân sách gia tăng đã được phản ánh vào giá cả từ trước. Do đó, mối quan tâm chính của giới đầu tư lúc này là các dấu hiệu tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia cho rằng việc nâng trần nợ công không phải là yếu tố chi phối thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại. Thay vào đó, các yếu tố như tiến triển trong các thỏa thuận thương mại và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đang có tác động lớn hơn đến tâm lý thị trường.
Admin
Nguồn: VnExpress