Tại Đồng bằng sông Cửu Long, phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD) đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt trong một, hai năm trở lại đây nhờ sự hỗ trợ từ nhiều doanh nghiệp và tổ chức. Các nhà khoa học cho rằng, nếu áp dụng rộng rãi trên toàn bộ 1,8 triệu ha lúa của khu vực, phương pháp này có thể giúp tiết kiệm đến 7.400 tỷ đồng, giảm 2,4 tỷ m3 nước và cắt giảm 13,86 triệu tấn khí thải.
Điểm nổi bật của mô hình AWD là yêu cầu giảm mật độ sạ giống, chỉ còn khoảng 60-70 kg/ha, thấp hơn đáng kể so với mức hơn 200 kg/ha thường thấy. Cách tưới nước cũng thay đổi, chuyển từ ngập liên tục sang tưới ngập khô xen kẽ, mỗi vụ chỉ tưới 5-6 lần và không để ngập quá 3 cm.
Các nhà khoa học giải thích rằng, phương pháp tưới truyền thống làm ruộng ngập liên tục, ngăn oxy xâm nhập vào đất, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh ra khí metan – một trong những nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp (chiếm tới 75% lượng khí thải). Khí metan có khả năng giữ nhiệt gấp 25 lần so với CO2 trong vòng 100 năm và được cho là nguyên nhân của ít nhất một phần tư tình trạng nóng lên toàn cầu hiện nay.
Ngược lại, phương pháp AWD giúp oxy dễ dàng thấm sâu vào đất, giúp rễ lúa phát triển khỏe mạnh và tăng cường khả năng chống chịu bệnh tật. Thử nghiệm trên 540 ha ở An Giang cho thấy, mô hình này giúp tăng năng suất lúa khoảng 9%, tăng thu nhập 31% và lợi nhuận thuần tăng khoảng 7 triệu đồng/ha so với phương pháp cũ, đồng thời giảm lượng khí metan phát thải từ 19-31%.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tích cực hỗ trợ và khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi phương pháp này. Điển hình, Coca-Cola gần đây đã hợp tác với các đối tác để hỗ trợ 42 hộ nông dân ở Long An chuyển đổi sang kỹ thuật AWD trên 50 ha đất trồng lúa trong vụ từ tháng 4 đến tháng 8/2025.
Để nâng cao hiệu quả, quy trình quản lý dư lượng tối đa (MRL) cũng được tư vấn và triển khai nhằm kiểm soát lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong ngưỡng cho phép. Cùng với AWD, nông dân có thể giảm 20-30% chi phí trong một vụ mùa, giảm phát thải và nâng cao chất lượng nông sản. Theo các đơn vị triển khai, phương pháp nông nghiệp này giúp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, cải thiện sinh kế cho nông dân thông qua giảm chi phí đầu vào và tăng giá bán sản phẩm.
Bên cạnh AWD, nông dân miền Tây đang triển khai nhiều phương pháp canh tác khác để hiện thực hóa đề án 1 triệu ha lúa công nghệ cao, phát thải thấp của Chính phủ. Máy móc đang dần thay thế các phương pháp thủ công truyền thống, và quy trình bón phân, phun thuốc cũng được giảm bớt số lần so với trước đây.
Gia đình ông Lê Văn Hưu ở Long An (nay là Tây Ninh) đang canh tác 3 ha lúa theo mô hình này. Ngoài việc áp dụng AWD, ông còn sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc thay vì thuê nhân công. Drone phun thuốc chính xác, vừa đủ, giúp hạn chế dư lượng hóa chất. Rơm rạ sau thu hoạch không còn bị đốt bỏ mà được doanh nghiệp thu mua để làm thức ăn chăn nuôi hoặc trồng nấm.
Ông Hưu cho biết, chi phí sản xuất mỗi vụ đã giảm hơn 30% so với trước đây, trong khi lợi nhuận thu được khoảng 75 triệu đồng mỗi vụ, tăng gần 20 triệu đồng so với trước khi áp dụng các phương pháp mới.
Admin
Nguồn: VnExpress