Zhang Yin, sinh năm 1957 tại Quảng Đông, lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Những ký ức tuổi thơ của bà gắn liền với sự thiếu thốn, khi cả gia đình chỉ có thịt để ăn vào dịp Tết. Biến cố ập đến năm bà 15 tuổi khi cha qua đời. Là chị cả, Zhang Yin buộc phải dang dở việc học, gánh vác trách nhiệm cùng mẹ chăm sóc các em.
Không có bằng cấp, bà bắt đầu với những công việc lặt vặt. Nhờ sự chăm chỉ và tinh ý, bà dần trở thành kế toán cho một công ty nhỏ ở Thâm Quyến.
Bước ngoặt lớn xảy ra trong một chuyến công tác đến Hong Kong. Bà nhận thấy tiềm năng kinh doanh từ lượng giấy phế liệu khổng lồ bị vứt bỏ, trong khi đây lại là nguồn nguyên liệu khan hiếm tại Trung Quốc đại lục. Ý tưởng kinh doanh giấy tái chế nảy sinh từ đó.
Bất chấp sự phản đối của gia đình, năm 27 tuổi, Zhang Yin quyết tâm đến Hong Kong với số tiền vay mượn ít ỏi. Bà nói với mẹ trước khi đi: “Con không muốn cả đời sống cuộc sống chật vật như vậy.”

Những ngày đầu khởi nghiệp ở Hong Kong đầy gian nan. Zhang Yin bắt đầu bằng việc thu gom phế liệu trên chiếc xe ba gác cũ, rong ruổi khắp các con phố. Bữa ăn trưa thường chỉ có bánh bao và dưa muối.
Công việc không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để tăng trọng lượng, giấy phế liệu thu gom thường bị trộn lẫn với giấy ướt, giấy mốc, thậm chí cả rác thải. Bà kiên quyết kiểm tra kỹ lưỡng từng xe hàng để đảm bảo chất lượng. Sự kiên quyết này khiến bà trở thành cái gai trong mắt một băng đảng độc quyền ngành tái chế giấy ở Hong Kong.
Bà phải đối mặt với những lời đe dọa, cửa hàng bị phá hoại. Tuy nhiên, sự kiên cường của Zhang Yin đã khiến băng đảng này phải chùn bước, đồng thời mang lại cho bà uy tín lớn trong ngành.
Nắm bắt nhu cầu giấy tái chế khổng lồ của thị trường Trung Quốc, năm 1988, bà thành lập nhà máy giấy đầu tiên tại Đông Hoản và từng bước xây dựng một chuỗi kinh doanh khép kín.
Trong một chuyến đi đến Mỹ, bà nhận thấy nguồn cung giấy phế liệu dồi dào và hệ thống tái chế hiện đại của quốc gia này. Cùng với chồng, bà thành lập công ty Trung Nam Holdings tại Mỹ, chuyên thu mua giấy phế liệu và vận chuyển về các nhà máy ở Trung Quốc, một bước đi tiên phong so với các đối thủ cạnh tranh.
Năm 1996, Zhang Yin đầu tư 110 triệu tệ để thành lập công ty giấy Cửu Long (Nine Dragons Paper), chuyên sản xuất giấy bìa cứng chất lượng cao. Với nguồn cung nguyên liệu ổn định từ Mỹ, Cửu Long nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đạt sản lượng hàng năm lên tới 200.000 tấn.
Công ty mang lại lợi nhuận trung bình 7 tỷ tệ mỗi năm, đưa bà trở thành “Nữ hoàng giấy” và là một trong những phụ nữ giàu có nhất Trung Quốc.
Năm 2005, Nine Dragons Paper vượt qua Chenming Paper, trở thành nhà sản xuất giấy lớn nhất Trung Quốc, đứng thứ hai tại châu Á và thứ tám trên toàn thế giới.
Một năm sau, công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Tài sản của Zhang Yin tăng lên 4,1 tỷ USD, giúp bà trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc theo Hurun Rich List.
Năm 2010, ở tuổi 53, bà trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 38 tỷ tệ. Đến năm 2024, bà vẫn tiếp tục góp mặt trong danh sách những người phụ nữ giàu có nhất châu Á.
Tuy nhiên, đế chế kinh doanh của Zhang Yin cũng vướng phải những cáo buộc liên quan đến ô nhiễm môi trường. Các nhà máy giấy của bà bị cáo buộc thải ra lượng lớn khí thải và nước thải độc hại chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Khi những phàn nàn từ người dân ngày càng gia tăng và Trung Quốc bắt đầu thắt chặt các quy định về môi trường, Zhang Yin đã có một bước đi khác. Bà dần chuyển các nhà máy của mình sang Mỹ. Sau khi tạo dựng được vị thế vững chắc trên thị trường này, bà cũng thay đổi quốc tịch.
Hành động này đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ tại quê nhà. Nhiều người cho rằng bà “kiếm tiền bằng cách hủy hoại môi trường Trung Quốc, sau đó rời đi”, và lên án bà vô trách nhiệm với mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
Admin
Nguồn: VnExpress