Chặt cây xoài 15 năm vì bị “xin” trái quá nhiều

Hơn mười lăm năm trước, tôi trồng một cây xoài trong khu vườn nhà mình. Cây xoài tỏa bóng mát rượi, cành lá xum xuê vươn ra phía vỉa hè, sát hàng rào. Dưới tán cây xanh mát, tôi kê bộ bàn ghế đá, mắc thêm chiếc võng để mỗi trưa có chỗ nghỉ ngơi, uống trà, tận hưởng làn gió mát.

Thế nhưng, cuối cùng tôi đành phải chặt bỏ cây xoài ấy. Không phải vì cây bị sâu bệnh hay héo úa, mà bởi những hành động thiếu ý thức của nhiều người bên ngoài bức tường rào.

Từ khi cây xoài bắt đầu mùa trái chín, dường như ai đi ngang qua cũng cho mình cái quyền “xin lộc”. Người thì dùng đá ném, kẻ lại lấy sào khều. Trẻ con, người lớn, người quen, người lạ, đủ cả mọi thành phần.

Tôi còn nhớ, có lần đang nằm trên võng, một viên đá lạc bay tới trúng mái tôn nhà, khiến tôi giật mình thon thót. Lần khác, tôi nhẹ nhàng nhắc nhở mấy đứa trẻ đang trèo cây thì bị phụ huynh của chúng phản ứng gay gắt: “Xoài nhiều thế, ăn có hết đâu mà tiếc!”.

Thực lòng, tôi không hề tiếc vài trái xoài. Điều tôi trăn trở là cách mà người ta xem nhẹ ranh giới cá nhân. Cây xoài mọc trong vườn nhà tôi, dù cành có vươn ra đường thì nó vẫn thuộc sở hữu của gia đình tôi, chứ không phải là của công.

Nói mãi không được, tôi chợt nhớ đến câu chuyện những người Nhật Bản sẵn sàng chặt bỏ cây ăn quả khi có người xin trái. Lúc đầu, tôi thấy hành động đó thật kỳ lạ, nhưng giờ thì tôi đã hiểu vì sao họ lại làm như vậy.

Sau nhiều lần chứng kiến đám thanh niên leo trèo hái xoài, tôi quyết định học theo người Nhật, chặt bỏ cây xoài mà tôi hết mực yêu quý. Nếu người ta có thể dễ dàng leo lên cây xoài, thì hàng rào kia còn ý nghĩa gì? Người hái xoài trèo được, thì kẻ trộm cũng trèo được. Hơn nữa, nếu chẳng may họ bị té ngã, thì gia đình tôi lại vướng vào rắc rối.

Tôi chỉ mong rằng, mỗi người chúng ta, những thành viên của cộng đồng này, đừng xem sự “tiện tay” là một điều hiển nhiên. Cây người khác trồng, trái người ta chăm sóc, dù có vươn ra đường, thì đó vẫn là công sức, là tài sản, là quyền riêng tư của họ.

“Tiện tay” theo kiểu vô tư chỉ nên dành cho những món đồ bị bỏ quên, rơi vãi mà không có ai trông coi. Đáng buồn thay, nhiều người lại “hồn nhiên” đến mức cho rằng việc hái trộm xoài là chuyện bình thường.

Ban đầu chỉ là “một chút”, là “có sao đâu”. Nhưng lòng tham chẳng bao giờ bắt đầu từ những điều lớn lao. Nó nảy sinh từ những hành vi nhỏ nhặt được chấp nhận nhiều lần, cho đến khi người ta không còn nhận ra đó là sai trái.

Thói “tiện tay” dung dưỡng sự dễ dãi, làm mất đi sự ngăn nắp trong cả suy nghĩ lẫn hành động. Giá như mỗi người biết kìm chế bản thân một chút, thì có lẽ chẳng cần đến camera an ninh hay hàng rào sắt, chỉ cần mỗi người tự giữ cho mình một lằn ranh tử tế.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *