Giống như nhiều phụ huynh khác trong mùa thi tốt nghiệp THPT, tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Câu chuyện bắt đầu từ việc con tôi thi IELTS, nhưng sau đó lại biết tin chứng chỉ này chỉ được quy đổi tối đa 10%. Tiếp đến, con tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt một và đạt kết quả khá tốt, nên gia đình quyết định không đăng ký thi đợt hai. Tuy nhiên, “mưa điểm” trên 900 ở đợt hai đã khiến con tôi phải dồn sức cho kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí, con còn phải chuyển tổ hợp từ A00 sang A01 vào phút chót. Có thể nói, con tôi đã trải qua một loạt những tình huống không mấy thuận lợi trong kỳ thi năm nay.
Sáng hôm đưa con đi thi, tôi chỉ nhắn nhủ một điều: “Chúng ta chỉ thất bại khi bỏ cuộc. Ở giai đoạn cuối cùng này, kiến thức thôi là chưa đủ, mà còn cần kỹ năng và chiến thuật, đặc biệt là cách quản lý thời gian trong phòng thi. Đừng ngại bỏ qua những câu khó, hãy bình tĩnh hoàn thành tốt những phần mình nắm chắc trước đã.”
Con tôi đánh giá cao đề thi năm nay vì có tính phân loại tốt, tạo cơ hội cho học sinh yếu có thể vượt qua và học sinh giỏi có thể thể hiện năng lực. Theo con, đề thi vẫn dành khoảng 2 điểm cho những học sinh xuất sắc, tạo ra sự phân tầng hợp lý và cần thiết. Con cũng cảm thấy hứng thú vì được thực sự “so tài”, đề thi đòi hỏi tư duy thực tế và có độ thử thách toàn diện, thay vì chỉ là một đề dễ mà ai cũng đạt điểm cao.
Con tôi còn chia sẻ đề thi tiếng Anh cho một bạn học lớp 11 chuyên Anh ở một trường không chuyên. Bất ngờ là bạn đó đã đạt được 9,5 điểm. Các bạn cùng nhóm thi của con cũng nhận xét rằng đề không khó để đạt điểm 8 nếu học theo hướng thực tế, có nền tảng đọc hiểu từ tin tức và sách báo. Điều này khiến tôi suy nghĩ rằng, có lẽ những bạn học theo hướng thực tế, chủ động tiếp cận ngôn ngữ lại có lợi thế hơn so với những bạn chỉ luyện thi theo các dạng bài mẫu.
Con tôi học trường công lập, nên hành trình học tiếng Anh là sự kết hợp giữa chương trình chính khóa và việc tự học theo cách tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên. Đã nhiều lần, con làm bài sai khi áp dụng cách học ngữ pháp rời rạc, so với việc làm bài dựa trên kinh nghiệm đọc sách, xem tin tức và tích lũy ngôn ngữ trong các ngữ cảnh thực tế.
Tôi nhận thấy vấn đề lớn nhất không nằm ở học sinh mà nằm ở phương pháp dạy học còn lạc hậu và chưa thực sự hiệu quả. Hầu như không có giáo viên nào con từng học đi theo đúng trình tự nghe – nói – đọc – viết. Thay vào đó, các tiết học thường bắt đầu bằng việc tóm tắt từ vựng, công thức ngữ pháp, rồi đi thẳng vào các bài tập khô khan, dịch từng câu sang tiếng Việt và ghi chép một cách máy móc.
Khi con vào cấp ba, tôi đã hy vọng sẽ có sự đổi mới, nhưng phương pháp dạy vẫn không thay đổi. Trong khi đó, sách giáo khoa đã được thiết kế theo hướng hiện đại hơn, với hình ảnh màu sắc, nội dung gần gũi và ứng dụng thực tế. Tiếc là cách dạy vẫn tiếp tục theo kiểu “photo đề cương đen trắng”, khiến con tôi nhiều lần cảm thấy nản lòng. Tôi chỉ biết động viên con: “Cứ bám sát sách giáo khoa, học theo bài bản, còn điểm số thì chỉ cần đủ qua môn là được.”
Ở giai đoạn cuối cấp, tôi từng phân vân có nên cho con ôn luyện chuyên sâu theo cách cũ để “chắc ăn” hay không? Nhưng cuối cùng, tôi vẫn quyết định đặt niềm tin vào sự đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và tôi đã không hối hận khi đề thi năm nay thực sự là một bước ngoặt, giúp con thấy rõ giá trị của việc học ngôn ngữ một cách đúng đắn.
Con tôi không phải là học sinh chuyên, không học trường top, không luyện thi ở các trung tâm, nhưng con yêu thích tiếng Anh và tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên thông qua việc đọc tin tức, sách báo, xem phim và nghe podcast. Con không bao giờ nghĩ rằng phải có “trình độ cao siêu” mới có thể tiếp cận được tiếng Anh. Có lẽ nhờ vậy mà con đã tiến bộ và học tập một cách bền vững.
Tôi không dám chắc điểm thi của con sẽ như thế nào, nhưng tôi biết chắc một điều rằng con đã đi hết hành trình này với tâm thế sẵn sàng và chủ động. Sau nhiều năm học tập và thi cử đầy áp lực, ít nhất trong ba năm cấp ba này, con đã có cơ hội được học và thi theo cách mà con cảm thấy hứng thú, và đó là điều đáng quý nhất.
Thực tế, con tôi đang cân nhắc lựa chọn các trường top giữa hoặc các trường tư gần nhà, thay vì các trường top đầu dù điểm số dự kiến khá an toàn, đơn giản vì ngành học và điều kiện sống ở những trường đó phù hợp hơn với con. Theo tôi, thay vì quá lo lắng về việc đề thi khó hay dễ, các học sinh nên thực tế hơn, tìm hiểu kỹ về các trường trong khả năng của mình, đặt nguyện vọng một cách hợp lý để ổn định tinh thần và định hướng cho tương lai.
Kỳ thi tốt nghiệp năm nay cũng là một lời nhắc nhở rằng học sinh không thể phát triển trong một môi trường giáo dục quá cứng nhắc. Đã đến lúc chúng ta cần phải loại bỏ những phương pháp dạy học giáo điều và mở đường cho những phương pháp nhân văn và thực tế hơn. Và may mắn thay, con tôi chưa bao giờ bị giới hạn bởi những khuôn mẫu đó, nên con mới có thể vươn xa hơn.
Admin
Nguồn: VnExpress