Gaza: Hành trình tìm thức ăn biến thành ‘bẫy tử thần’

Nhà sản xuất chương trình Anas Baba của đài NPR đã trải qua gần 21 tháng sống giữa cuộc xung đột ở Dải Gaza, và hậu quả là anh đã mất tới một phần ba trọng lượng cơ thể.

Tình trạng này xuất phát từ việc Israel hạn chế hàng hóa viện trợ vào Gaza trong nhiều tháng, cùng với những biện pháp kiểm soát phân phối lương thực hiện tại, đã đẩy khu vực vào nạn đói lan rộng. Các quan chức y tế tại Gaza cho biết đã có hàng chục trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng.

Baba chia sẻ rằng những người xung quanh anh ngày càng trở nên yếu ớt và xanh xao. Họ phải vịn vào tường hoặc hàng rào khi di chuyển trên đường, hoặc đi theo nhóm để hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí, nhiều phụ nữ và trẻ em còn ngất xỉu ngay trên phố.

“Trong vài tháng gần đây, tôi chỉ dám ăn một bữa nhỏ mỗi ngày, cố gắng tiết kiệm tối đa lượng lương thực dự trữ. Nhưng ba tuần trước, tôi đã cạn kiệt những nhu yếu phẩm cơ bản như bột mì, đậu lăng và dầu ăn”, Baba kể lại.

Các quầy hàng rong bán các mặt hàng thiết yếu với giá “cắt cổ”, lên tới khoảng 100 USD cho một cân khoai tây, khiến những người như Baba không thể mua nổi. Anh thậm chí phải mua vỏ dưa hấu và khoai tây hỏng để muối chua, dùng dần qua ngày.

Hiện tại, lựa chọn duy nhất còn lại cho người dân ở đây là nhận viện trợ từ Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF), một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, được chính phủ Mỹ và Israel hậu thuẫn nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo tại Gaza, thay vì thông qua các cơ chế cứu trợ truyền thống do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Tổ chức này bắt đầu hoạt động tại Gaza từ ngày 26/5 và phân phối hàng trăm nghìn suất ăn tại ba địa điểm khác nhau cho người dân trên dải đất.

Tuy nhiên, theo lời kể của Baba: “Ngay từ những ngày đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng, khi mỗi ngày đều có người thiệt mạng khi đến lấy thực phẩm tại các điểm phân phối của GHF”.

Cơ quan y tế Gaza và các tổ chức y tế quốc tế hoạt động tại dải đất này cho biết hàng nghìn người Gaza đã bị thương hoặc thiệt mạng do hỏa lực của binh sĩ Israel khi họ cố gắng tiếp cận các địa điểm phân phối viện trợ của GHF. Nhiều người phải ra về tay trắng vì bị đám đông cướp hết thực phẩm.

Mặc dù vậy, dường như điều đó không thể ngăn cản mọi người tìm đến các điểm cứu trợ. Baba giải thích rằng khi phải nhịn đói quá lâu, tâm trí con người không còn đủ tỉnh táo để đưa ra những quyết định đúng đắn. “Khi cả cơ thể và trí óc của bạn đều khao khát một thứ gì đó, bạn sẽ không còn sợ bất cứ điều gì. Bạn sẵn sàng làm mọi thứ để có được thức ăn”, anh nói.

Vào tối ngày 23/6, Baba và người em họ của mình đã rời khỏi Gaza City, đi bộ hàng giờ dọc theo bờ biển về phía nam, chấp nhận mọi rủi ro để cố gắng kiếm chút thức ăn tại một điểm phân phối của GHF ở miền trung Gaza. Họ chuẩn bị một chiếc ba lô nhỏ đựng nước, băng gạc và bộ sơ cứu. Những người khác còn mang theo cả dao để tự vệ nếu gặp phải cướp, vì nạn đói đã khiến tình trạng cướp bóc trở nên phổ biến khắp Gaza.

Khoảng nửa đêm hôm đó, một đám đông lớn bắt đầu tụ tập dọc theo con đường dẫn đến trung tâm cứu trợ, chờ đợi tín hiệu mở cửa. Để đến được đó, mọi người phải đi qua một khu vực quân sự gần hành lang Netzarim, nơi phần lớn do Israel kiểm soát chặt chẽ và cấm người Palestine. Những người vượt qua khu quân sự trước khi GHF mở cửa có nguy cơ bị binh sĩ Israel bắn trúng.

Đoàn người khuôn đồ viện trợ từ một điểm phân phối của GHF ở Gaza ngày 24/5. Ảnh: NPR
Gaza: GHF cứu trợ đêm 24/6 – Hy vọng giữa gian khó (Ảnh: NPR). Ảnh: Internet

GHF không có giờ mở cửa cố định. Họ thường mở và đóng địa điểm cứu trợ chỉ trong vài phút. Những người đến sớm nhất sẽ lấy được nhiều thực phẩm nhất, và nguồn cung nhanh chóng cạn kiệt. Nhiều người cố gắng chen lên phía trước đám đông trước khi địa điểm mở cửa, bất chấp nguy cơ bị lính Israel coi là mối đe dọa an ninh.

Vị trí các điểm phân phối của GHF ở Gaza. Đồ họa: NPR
Bản đồ các điểm phân phối cứu trợ của GHF tại Gaza (Đồ họa: NPR). Ảnh: Internet

Vào lúc 1h30 sáng ngày 24/6, một chiếc xe ô tô chở đầy thức ăn trên nóc lao qua. Những người trên xe hét lớn rằng GHF đã mở cửa. Đám đông bắt đầu chạy dọc con đường về phía điểm phân phát, trong khi nhiều xe ô tô và xe máy cũng cố gắng chen lấn.

“Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh có người bị bánh xe cán qua”, Baba kể lại.

Khi đến gần hơn địa điểm phát thực phẩm, họ bất ngờ nhìn thấy một chiếc xe tăng Israel vẫn còn ở đó. Điều này đồng nghĩa với việc GHF chưa mở cửa. Tuy nhiên, đám đông phía sau vẫn tiếp tục dồn lên, và chiếc xe tăng sau đó đã nổ súng.

Baba và em họ vội vàng nằm rạp xuống đất, nghe thấy tiếng súng đạn và tiếng la hét của những người bị thương trong bóng đêm. Nhiều người trong đám đông gào khóc: “Anh trai tôi chết rồi!”, “Bạn tôi chết rồi!”.

Đến 1h48, tiếng súng vẫn không ngớt. Trời tối đen như mực. Đám đông vẫn cố gắng chờ đợi. Đến 2h sáng, tiếng súng dừng hẳn. “Chúng tôi coi đó là dấu hiệu GHF đã mở cửa. Tôi vội vã chạy theo đám đông về phía điểm phân phát, bước qua những thi thể nằm trên mặt đất”, Baba kể.

Trong một tuyên bố sau đó, quân đội Israel cho biết họ đã ghi nhận thông tin về những người bị thương do hỏa lực của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và đang tiến hành xem xét sự việc. Tuy nhiên, họ bác bỏ cáo buộc binh sĩ cố ý nổ súng vào đám đông.

Cuối cùng, điểm phân phối của GHF cũng mở cửa. Baba chứng kiến hàng trăm người xô đổ hàng rào bao quanh, giẫm đạp lên nhau để với lấy những hộp thực phẩm. Anh lấy điện thoại ra và ghi lại cảnh tượng hỗn loạn khi hàng nghìn người vây kín các hộp thực phẩm, giành giật nhau để lấy được nhiều nhất có thể.

Một phụ nữ khoảng 40 tuổi, mồ hôi nhễ nhại và gương mặt đầy vẻ giận dữ, đứng cạnh đứa con trai nhỏ và khua hai con dao. Cô ta hét lớn với mọi người xung quanh: “Đừng động vào con trai hay thức ăn của tôi!”. Luật pháp và trật tự dường như đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại “luật rừng”.

Trước đây, hàng trăm trung tâm phân phối đồ cứu trợ do Liên Hợp Quốc điều hành ở Gaza thường cung cấp bột mì và các nhu yếu phẩm cơ bản. Các cơ quan của Liên Hợp Quốc sẽ gửi tin nhắn thông báo thời gian mọi người đến lượt nhận lương thực, và mọi người đều nghiêm chỉnh xếp hàng chờ đợi.

Israel và Mỹ cáo buộc Hamas chiếm đoạt hàng cứu trợ do Liên Hợp Quốc cung cấp, và đó là lý do họ thành lập GHF để ngăn chặn nhóm vũ trang này làm điều tương tự. Tuy nhiên, tại điểm phân phối của GHF, Baba cho biết anh vẫn thấy một số người mà anh chắc chắn là thành viên Hamas, dựa vào trang phục họ mặc, đang lấy thực phẩm.

Người dân tụ tập tại một điểm phát đồ cứu trợ của GHF ở Gaza ngày 24/6. Ảnh: NPR
Gaza 24/6: Dân tập trung nhận cứu trợ từ GHF (Ảnh: NPR). Ảnh: Internet

“Khi tôi đang quay phim, mọi người đến bên cạnh tôi và nói hãy nhìn lên trán. Có ba chấm laser màu xanh lá cây đang chiếu lên đầu tôi. Các nhân viên bảo vệ vũ trang người Mỹ đang canh gác điểm phân phối của GHF chĩa súng vào tôi. Một người nói qua loa bằng tiếng Anh: ‘Không được quay phim!'”.

Các quan chức của GHF cho biết họ hiểu những lo ngại về việc thời gian mở cửa không cố định có thể khiến người Palestine gặp nguy hiểm do hỏa lực của Israel. Tuy nhiên, GHF khẳng định rằng họ chỉ đang cố gắng ngăn chặn tình trạng chen lấn, xô đẩy. Nhóm này cho biết thêm rằng quân đội Israel đang nỗ lực hơn để đảm bảo mọi người có thể tiếp cận địa điểm một cách an toàn, cũng như mở các con đường mới và lắp đặt biển chỉ dẫn.

GHF thừa nhận rằng họ không thể sàng lọc hết tất cả những người có liên hệ với Hamas, nhưng cho biết họ đang ngăn chặn nhóm vũ trang này kiểm soát dòng chảy viện trợ. Họ cũng nói rằng họ cấm người Palestine quay phim các nhà thầu người Mỹ tại điểm cứu trợ vì họ đã phải đối mặt với nhiều lời đe dọa trực tuyến.

Một nhóm gồm 170 tổ chức nhân quyền và viện trợ đã kêu gọi chấm dứt hệ thống phân phối viện trợ hiện tại của GHF vì những rủi ro mà nó gây ra cho người dân Palestine.

“Tại điểm phân phát, tôi xô đẩy mọi người sang một bên và chộp lấy bất kỳ loại thực phẩm nào rơi trên mặt đất. Dầu ăn, bánh quy, túi gạo bị rách và lẫn với đất cát đối với tôi đều không thành vấn đề. Đó là thức ăn, và tôi có thể làm sạch chúng sau”, Baba nói.

Sau đó, Baba phải cố gắng kéo người em họ đang bị đám đông chen ép ra khỏi vòng vây. Điều khó khăn hơn là họ phải chen qua hàng nghìn người đang lao vào lấy lương thực và cố gắng thoát khỏi nơi đó an toàn với túi đồ ăn trên tay.

Trên đường trở về, hai người bị bốn tên cướp bịt mặt cầm dao chặn lại. Chúng đưa ra hai lựa chọn: nộp một nửa số thực phẩm đã lấy được, hoặc sẽ gặp nguy hiểm.

“Tôi đề nghị chia cho chúng một ít, nhưng một tên bắt đầu vung dao đe dọa. Tôi và em họ nhìn nhau rồi ném hai túi thực phẩm về phía những tên cướp và bỏ chạy”, Baba kể lại. “Sau khi thoát thân, tôi chỉ còn lại lượng thức ăn đủ dùng cho bản thân trong khoảng một tuần rưỡi, với điều kiện chỉ ăn mỗi ngày một bữa”.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *