6 món cần hạn chế khi bị axit uric cao

Axit uric hình thành trong quá trình cơ thể phân hủy purin, thường hòa tan trong máu, được thận lọc và đào thải qua nước tiểu. Tuy nhiên, khi lượng axit uric quá cao và thận không thể xử lý kịp, tình trạng tăng axit uric xảy ra, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gout hoặc sỏi thận. Việc kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế hoặc tránh một số loại thực phẩm nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của khớp và thận về lâu dài.

Nội tạng động vật là một trong những thực phẩm cần đặc biệt lưu ý. Chúng chứa hàm lượng purin rất cao, khi chuyển hóa sẽ làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Do đó, người bệnh gout nếu thường xuyên ăn nội tạng động vật có thể gặp phải những cơn đau nhức khó chịu. Việc tránh các loại thực phẩm này có thể giúp giảm đáng kể các triệu chứng bệnh.

Các sản phẩm sữa giàu chất béo bão hòa có thể làm suy giảm chức năng loại bỏ axit uric của thận. Đối với những người có nồng độ axit uric cao, việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm sữa ít béo hoặc không béo là một lựa chọn tốt. Chúng không chỉ đáp ứng nhu cầu protein và canxi của cơ thể mà còn hỗ trợ kiểm soát chỉ số axit uric hiệu quả hơn.

Bia và rượu cũng là những thức uống cần hạn chế. Việc tiêu thụ thường xuyên có thể gây gián đoạn quá trình đào thải axit uric của cơ thể, đồng thời làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Do đó, hạn chế hoặc tránh hoàn toàn bia rượu là một biện pháp quan trọng để phòng ngừa các đợt bùng phát bệnh gout.

Carbohydrate tinh chế, có nhiều trong bánh mì trắng, mì ống và các loại bánh ngọt có đường, thường chứa ít chất xơ và có thể làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, chúng còn làm tăng tình trạng kháng insulin, từ đó làm giảm khả năng đào thải axit uric của thận. Thay thế các loại carbohydrate tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch và gạo lứt có thể giúp kiểm soát chỉ số axit uric hiệu quả hơn.

Một số loại hải sản như trai, hàu, sò điệp và tôm có hàm lượng purin tự nhiên cao, do đó không phải là lựa chọn an toàn cho những người có hàm lượng axit uric cao. Việc ăn thường xuyên các loại hải sản này có thể dẫn đến tích tụ axit uric, gây ra các đợt bùng phát gout. Người bệnh nên tiêu thụ hải sản ở mức độ vừa phải và tham khảo ý kiến bác sĩ về các lựa chọn bổ sung protein lành mạnh hơn.

Cuối cùng, các loại đồ uống có hàm lượng đường bổ sung cao, đặc biệt là những loại chứa fructose, cũng cần được hạn chế. Fructose có thể làm tăng tốc quá trình chuyển hóa purin của cơ thể, dẫn đến sản xuất nhiều axit uric hơn. Thay vì soda và nước trái cây có đường, lựa chọn nước lọc hoặc các loại đồ uống không đường là một cách đơn giản để cải thiện chỉ số axit uric.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *