Một nhóm các nhà khoa học từ dự án Repeat của Đại học Princeton đã tiến hành phân tích tác động của dự luật chi tiêu công và giảm thuế, được biết đến với tên gọi “Đạo luật to đẹp” (OBBBA), lên các mục tiêu khí hậu và quá trình chuyển đổi năng lượng của Hoa Kỳ. Dự luật này vừa được Quốc hội Mỹ thông qua và ban hành bởi Tổng thống Donald Trump.
Báo cáo “Tác động của OBBBA lên chuyển dịch năng lượng nước Mỹ” chỉ ra rằng việc bãi bỏ toàn diện các chính sách khí hậu được thiết lập dưới thời chính quyền Biden sẽ gây trở ngại lớn cho lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của quốc gia. Các chuyên gia đã sử dụng mô hình năng lượng và phát thải để so sánh các kịch bản chính sách khác nhau, bao gồm OBBBA, các chính sách cũ thời Biden và lộ trình Net Zero theo đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC).
Theo ước tính của Carbon Brief, dựa trên mô hình này, các quyết định hành pháp tiếp theo sau đạo luật có thể khiến Mỹ thải thêm khoảng 2 tỷ tấn CO2e so với kịch bản Net Zero theo lộ trình NDC. Con số này tương đương với lượng khí thải hàng năm của Indonesia, quốc gia đứng thứ sáu trên thế giới về ô nhiễm.
Chuyên trang về khí hậu này cũng tính toán rằng, trong vòng 5 năm, “Đạo luật to đẹp” của ông Trump có thể làm tăng lượng khí thải của Mỹ thêm 7 tỷ tấn CO2e. Trước đó, vào cuối năm ngoái, khi ông Trump mới đắc cử, chuyên trang này đã dự đoán rằng việc chính quyền mới đảo ngược các chính sách khí hậu thời Biden sẽ khiến lượng khí thải của Mỹ tăng thêm khoảng 4 tỷ tấn CO2e so với lộ trình ban đầu.
Dữ liệu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cho thấy, năm 2005, Mỹ phát thải 7,49 tỷ tấn CO2e, đạt đỉnh 7,52 tỷ tấn vào năm 2007, sau đó giảm dần. Năm 2022, năm có báo cáo gần nhất, con số này là hơn 6,3 tỷ tấn CO2e.
Phân tích theo lĩnh vực, năng lượng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. OBBBA bãi bỏ phần lớn các khoản tín dụng thuế năng lượng sạch được thông qua theo Đạo luật giảm phát thải (IRA) thời Biden, vốn hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng gió, mặt trời, lưu trữ pin, nhiên liệu sạch và xe điện.
Đạo luật mới cũng hủy bỏ hàng tỷ đô la tài trợ chưa được giải ngân cho các dự án khí hậu từ cả IRA và Đạo luật Đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm (IIJA).
Quyết định này dự kiến sẽ làm giảm công suất lắp đặt mới của điện mặt trời và điện gió lần lượt là 29 GW và 43 GW vào năm 2030, và 140 GW và 160 GW vào năm 2035 so với hiện tại. Điều này góp phần làm giảm hơn 820 TWh điện sạch vào năm 2035. Sự chậm trễ trong phát triển năng lượng sạch có thể khiến Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên và than đá, đồng thời làm giảm tổng cung điện so với kịch bản duy trì chính sách thời Biden.

Với cơ cấu nguồn điện như vậy, các chuyên gia dự đoán rằng chi tiêu năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng thêm 28 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 và 50 tỷ USD vào năm 2035.
Hơn nữa, dựa trên ước tính “chi phí xã hội của carbon” từ EPA thời Biden, việc tăng thêm 7 tỷ tấn CO2e có thể gây tổn hại cho khí hậu toàn cầu ở mức 1.600 tỷ USD.
Jesse Jenkins, giảng viên tại Đại học Princeton và trưởng nhóm dự án Repeat, nhận xét trên LinkedIn: “Đây có vẻ là một đạo luật tồi tệ.” Ông nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc làm tăng chi phí năng lượng cho người tiêu dùng, đạo luật này còn làm tăng thuế đối với nguồn cung điện mới trong bối cảnh nhu cầu điện đang tăng nhanh.
Admin
Nguồn: VnExpress