Ngày 9/7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Phạm Anh Tuấn, đã có chuyến kiểm tra công tác điều hành chính quyền địa phương, tình hình kinh tế và đời sống của người dân tại xã biên giới Ia Dom.
Mở đầu buổi làm việc, ông Lê Trọng Phúc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom, báo cáo về tình hình địa phương. Xã có hơn 16 km đường biên giới giáp Campuchia, tổng diện tích trên 14.500 ha, trong đó 10.831 ha là diện tích các loại cây trồng chủ lực như cao su, điều, cà phê và cây ăn quả. Xã có 2.200 hộ dân với gần 8.700 nhân khẩu, trong đó còn 103 hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 52 triệu đồng và kế hoạch năm nay là 53 triệu đồng.

Ông Phúc cũng cho biết, bộ máy chính quyền địa phương hai cấp hoạt động thông suốt, đã tiếp nhận và giải quyết 119 hồ sơ. Tuy nhiên, xã vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn do hạ tầng công nghệ và trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, cùng với đó là trình độ công nghệ thông tin của một số cán bộ công chức còn hạn chế.
Ông Lê Văn Mạnh, Trưởng phòng kinh tế, nhận định Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có nhiều tiềm năng phát triển và thúc đẩy giao thương hàng hóa. Thế mạnh của địa phương là các loại cây lâu năm, tuy nhiên việc canh tác còn rời rạc, thiếu liên kết, và các sản phẩm chủ yếu vẫn ở dạng thô.
Theo ông Mạnh, việc vận hành chính quyền địa phương hai cấp được kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” giúp xã vùng biên phát triển kinh tế, thúc đẩy nền nông nghiệp hiện có và đưa nông sản của bà con tiếp cận các chuỗi nhà máy lớn.

Sau khi lắng nghe các báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn bày tỏ sự trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo còn cao của địa phương, trong khi vùng đất này lại rất trù phú, rộng lớn và có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, một “mặt tiền” quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và tạo việc làm cho người dân.
Ông Tuấn nhấn mạnh chính quyền cần rà soát và đưa ra các giải pháp giúp người dân làm giàu ngay trên mảnh đất của mình. Ông kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ tâm huyết, “nói được làm được”, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của việc tổ chức chính quyền hai cấp là phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất. Chính quyền cần gần dân hơn, cán bộ phải biết tận dụng các chính sách và hướng dẫn người dân tiêu thụ hàng hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng xã Ia Dom có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, nhưng điều này phải đến từ cả hai phía. Người dân cần chăm chỉ lao động, đoàn kết và chia sẻ kinh nghiệm làm giàu. Đồng thời, chính quyền địa phương cần tập trung đầu tư vào hạ tầng, công nghệ hiện đại, tạo nguồn thu ổn định và hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả, tránh tình trạng bị ép giá.
Ông Tuấn cũng nhắn nhủ người dân cần bảo vệ rừng, hạn chế các tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa để bảo vệ sức khỏe, vừa để thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và loại bỏ những thủ tục lạc hậu. Nhân dịp này, ông Tuấn đã trao tặng 103 phần quà cho 103 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ia Dom.
Theo kế hoạch, ông Phạm Anh Tuấn sẽ tiếp tục có hai ngày làm việc tại các địa phương khác như xã Đức Cơ, phường Pleiku, phường Diên Hồng, xã H’ra và xã Đăk Rong.
Tỉnh Gia Lai vừa hoàn thành việc hợp nhất từ tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định (cũ) từ ngày 1/7 và bắt đầu vận hành chính quyền hai cấp. Tỉnh có diện tích lớn thứ hai cả nước với 21.500 km2 và dân số 3,5 triệu người, đường bờ biển dài 134 km và đường biên giới 90 km.
Admin
Nguồn: VnExpress