Tàu hỏa mất lạnh 3 tiếng: Hành khách đập vỡ cửa sổ vì nóng

Một sự cố trên chuyến tàu K1373, khởi nguồn từ vụ va chạm với tàu chở hàng, đã gây nên tranh cãi lớn trên mạng xã hội Trung Quốc về hành động tự ý phá cửa sổ để giải tỏa nhiệt. Sự việc xảy ra vào tối 2/7, khi tàu K1373 đang trên đường đến thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang.

Vụ va chạm khiến tàu phải dừng lại để sửa chữa, đồng thời hệ thống điều hòa cũng ngừng hoạt động. Hành khách và nhân viên trên tàu phải chịu đựng sự nóng bức, ngột ngạt. Theo lời kể của hành khách, nhiệt độ trong toa tàu vào khoảng 21h đã lên tới 31 độ C. Một hành khách đã đề nghị nhân viên mở cửa toa tàu nhưng không được chấp thuận.

Trong bối cảnh đó, một nữ hành khách khoảng 50 tuổi đã bị choáng do nhiệt độ cao. Mặc dù vậy, yêu cầu mở cửa toa tàu vẫn bị từ chối, nhân viên chỉ cung cấp nước khoáng miễn phí cho người già và trẻ em.

Cửa sổ tàu hỏa bị đập vỡ. Ảnh:
Ảnh: Cửa sổ tàu hỏa bị đập vỡ – Phản ứng vì nóng?. Ảnh: Internet

Đến 22h, một hành khách nam ở toa số 3 đã quyết định dùng búa đập vỡ cửa sổ để tạo thông thoáng. Hành động này đã vấp phải sự can ngăn của nhân viên tàu, nhưng người đàn ông vẫn tiếp tục đập cửa sổ, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những hành khách khác. Nhiều người đã hô vang “Anh hùng, anh hùng” để ca ngợi hành động này. Một hành khách khác cho biết, sau khi cửa sổ bị phá, không khí tươi tràn vào giúp nhiệt độ trong toa giảm đáng kể.

Mắc kẹt 3 tiếng trên tàu không điều hòa, khách đập vỡ cửa sổ
Video: Hành khách đập vỡ cửa sổ tàu K1373 tối 2/7. Ảnh: Internet

Hệ thống điều hòa được khởi động lại vào lúc 23h11. Sau khi tàu đến ga Kim Hoa, cảnh sát đường sắt đã khiển trách và phê bình hành khách đập cửa sổ. Nhân viên tàu cũng đã tiến hành sửa chữa lại cửa sổ bị vỡ.

Ngày 5/7, Công ty vận hành đường sắt Trung Quốc đã đưa ra thông cáo về sự việc, làm bùng nổ các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: “Trong tình huống đó, việc đập vỡ cửa sổ có nên hay không?”, “Liệu có quy trình ứng phó nào khoa học, chuyên nghiệp và nhân đạo hơn cho những trường hợp tương tự?”, và “Nhiệt độ trong toa tàu lên đến mức nào thì hành khách được phép đập vỡ cửa sổ?”.

Luật sư Lâm Phi Nhiên từ công ty luật Kinh Đô ở Bắc Kinh nhận định rằng, việc nhân viên đường sắt cố gắng duy trì trật tự là không sai, nhưng khả năng ứng phó khi nhiệt độ trong toa tàu quá cao còn hạn chế. Ông cho rằng cần cân nhắc sửa đổi Quy định cứu hộ cứu nạn khẩn cấp tai nạn giao thông đường sắt.

Luật sư Lâm cũng nói thêm: “Hành vi đập vỡ cửa sổ có thể được xem là hành động sơ tán khẩn cấp và không cần chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, cần xem xét liệu việc đập cửa sổ có phải là giải pháp tốt nhất để giải quyết sự cố hay không, thay vì khuyến khích hành động này.”

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *