Ngày nay, việc bắt gặp hình ảnh mọi người đọc sách ở nơi công cộng hoặc chia sẻ ảnh chụp cùng sách trên mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không phải ai cũng thực sự đam mê đọc sách, mà đôi khi chỉ là một hình thức “làm màu”. Tác giả Alaina Demopoulos trên tờ The Guardian ngày 30/6 đã gọi hiện tượng này là “performative reading” (đọc để trình diễn).
Theo The New Statesman, sự trỗi dậy của “đọc để trình diễn” có liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội. Năm 2021 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt câu lạc bộ sách do người nổi tiếng khởi xướng, cùng với đó là sự xuất hiện của các cộng đồng BookTok, Bookstagram trên TikTok, Instagram và YouTube. Xu hướng ghi lại thói quen đọc sách và chia sẻ những tác phẩm hay đã lan tỏa tình yêu sách rộng rãi hơn. Tờ The Times nhận định, đối với một bộ phận Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012), sách đã trở thành một phụ kiện thời trang.
Alaina Demopoulos giải thích rằng hiện tượng này xuất phát từ mong muốn được “cả thế giới thấy mình đang đọc”. Một số người cho rằng việc cầm trên tay một cuốn sách mang lại cảm giác “có gu” hơn là chỉ đeo tai nghe. Họ thường chọn những tác phẩm văn học kinh điển, đặc biệt là những cuốn “càng khó tiếp nhận càng tốt”. Demopoulos nhấn mạnh, hành động này chủ yếu là để khoe khoang kiến thức hoặc để tự mãn về bản thân.
Nhiều người hăng hái viết blog, quay vlog để ghi lại số lượng sách đã đọc trong một năm. Tuy nhiên, Thomas Oppong, một cây bút của Medium, cho rằng việc đọc 100 cuốn sách mỗi năm không đảm bảo thành công. Ngược lại, nếu đọc theo kiểu “cày bừa” mà không đi sâu vào nội dung, người đọc sẽ nhanh chóng quên hết những gì đã đọc. Oppong so sánh việc này với việc “cày” phim, chỉ chú trọng đến số lượng mà bỏ qua chất lượng.

Oppong trích dẫn lời của nhà triết học Mortimer J. Adler: “Với những cuốn sách hay, mục tiêu không phải là bạn đọc được bao nhiêu, mà là bạn thấm thía được những gì từ tác phẩm đó”. Anh cho biết bản thân không bao giờ đặt mục tiêu đọc nhiều sách trong một năm, mà luôn đề cao việc hiểu và ghi nhớ nội dung. “Tôi đọc chậm và sâu. Độc giả thành công là những người khao khát học hỏi thực sự, xây dựng thói quen tiếp thu kiến thức từ những bộ óc vĩ đại, chứ không vội vàng chạy theo số lượng”.
Bên cạnh đó, chất lượng sách được quảng bá trên các cộng đồng như BookTok cũng gây ra nhiều tranh cãi. Một số tác phẩm được quảng bá rầm rộ như “It Ends with Us” (2016) hay “Verify” (2018) bị cho là “lãng mạn hóa bạo lực gia đình”. Tờ The Huntington News nhận xét rằng những cuốn tiểu thuyết này có văn phong hời hợt và cốt truyện rối rắm. BookTok tạo ra một xu hướng đọc sách “ăn liền” giống như thời trang nhanh, và những cuốn sách này được tôn thờ quá mức do hiệu ứng đám đông.
Tuy nhiên, Demopoulos khuyên độc giả không nên quá khắt khe với hiện tượng này. Bà đặt câu hỏi: “Vậy rốt cuộc chúng ta còn được đọc ở đâu?”. Nếu chỉ đọc ở nhà, việc này chẳng khác nào lén lút làm điều gì đó tội lỗi. Đối với nhiều người sử dụng phương tiện công cộng hoặc ở những nơi không có kết nối mạng, việc đọc sách là khoảnh khắc hiếm hoi trong ngày để tập trung hoàn toàn vào một cuốn sách. Vì vậy, thay vì chỉ trích hay nghi ngờ động cơ của người khác, hãy tôn trọng sở thích cá nhân và để mỗi người tự do cảm nhận tác phẩm theo cách riêng của họ.
Mặc dù “đọc để làm màu” không phải là cách tiếp cận sách tốt nhất, nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, xu hướng này đã góp phần tăng doanh thu đáng kể cho ngành xuất bản và khuyến khích mọi người dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc. Theo thống kê của The Guardian, năm 2023, có tới 669 triệu cuốn sách được bán ra ở Anh, mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, Gen Z là nhóm mua chính, và số lượng người đến thư viện cũng tăng lên đáng kể.
Admin
Nguồn: VnExpress