Chất béo bão hòa, một loại chất béo có khả năng làm tăng mức cholesterol LDL (cholesterol “xấu”) trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa trong thời gian dài không chỉ gây rối loạn lipid máu mà còn tác động tiêu cực đến chức năng gan, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ và kháng insulin.
Theo chuyên viên dinh dưỡng Lại Thị Hồng Vân từ Trung tâm Kiểm soát Cân nặng và Điều trị Béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, người thừa cân và béo phì nên hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa sau đây:

Thịt đỏ, bao gồm thịt bò, thịt lợn (đặc biệt là phần ba chỉ) và thịt cừu, có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn so với thịt gia cầm như gà và vịt. Thịt đỏ thường chứa nhiều chất béo bão hòa do có thêm mỡ động vật và các chất phụ gia trong quá trình chế biến. Việc tiêu thụ thường xuyên và không kiểm soát nhóm thực phẩm này có thể làm tăng cholesterol xấu trong máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch. Những người đang trong quá trình giảm cân nên chọn phần thịt nạc khi ăn thịt đỏ và ưu tiên các phương pháp chế biến đơn giản như hấp hoặc luộc để giảm lượng chất béo bão hòa hấp thụ vào cơ thể.
Mỡ động vật, như mỡ heo, mỡ bò hoặc phần mỡ có sẵn trong thịt, là một nguyên liệu quen thuộc trong nấu ăn. Sử dụng nhiều mỡ khi chế biến các món chiên, xào hoặc kho có thể làm tăng hương vị đậm đà, nhưng đồng thời cũng làm tăng lượng chất béo một cách đáng kể. Thói quen tái sử dụng mỡ thừa sau khi chiên có thể làm tăng lượng chất béo chuyển hóa do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên và bánh mì kẹp thường chứa nhiều chất béo bão hòa do quá trình tẩm ướp và chiên ngập dầu. Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thức ăn này có thể dẫn đến tăng tổng năng lượng nạp vào cơ thể, gây khó khăn cho quá trình giảm cân.
Thực phẩm chế biến sẵn như pate, thịt hộp và mì gói thường được sản xuất để bảo quản lâu dài và duy trì hương vị ổn định. Các sản phẩm chế biến từ thịt như xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội và pate thường chứa dầu cọ và mỡ động vật, là những nguồn cung cấp chất béo bão hòa đáng kể. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này cũng có thể chứa chất béo ẩn trong các loại sốt, gia vị hoặc lớp phủ bên ngoài.
Các loại bánh kẹo thường chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, chủ yếu đến từ bơ, đường, kem sữa hoặc dầu thực vật hydro hóa được sử dụng trong quá trình sản xuất. Tiêu thụ quá nhiều bánh kẹo trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe.
Chuyên viên Hồng Vân khuyến cáo người thừa cân và béo phì nên đọc kỹ nhãn dinh dưỡng để nhận biết các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa, ưu tiên các phương pháp chế biến lành mạnh và lựa chọn thực phẩm thay thế có hàm lượng chất béo bão hòa thấp hơn. Một chế độ ăn uống cân đối, đủ chất và kiểm soát tốt lượng chất béo không chỉ giúp duy trì cân nặng mà còn góp phần cải thiện sức khỏe tổng thể.
Admin
Nguồn: VnExpress