Trong báo cáo “ASEAN Equity Strategy” mới nhất, JP Morgan đã nâng khuyến nghị đối với thị trường chứng khoán Việt Nam lên mức “tăng tỷ trọng” (Overweight), ngang hàng với Singapore và Philippines. Đồng thời, tổ chức này giữ quan điểm “trung lập” đối với Indonesia, Malaysia và “giảm tỷ trọng” đối với Thái Lan. JP Morgan cũng điều chỉnh dự báo cho VN-Index, kỳ vọng đạt 1.500 điểm theo kịch bản cơ sở và 1.600 điểm theo kịch bản lạc quan vào cuối năm nay.
Việc nâng hạng thị trường Việt Nam được JP Morgan lý giải bởi sự hội tụ của bốn yếu tố tích cực. Đầu tiên, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ về việc tạm hoãn thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. Báo cáo nhấn mạnh rằng các thỏa thuận thương mại có thể đóng vai trò là chất xúc tác quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn cho các quốc gia liên quan.

Thứ hai, JP Morgan nhận định Chính phủ Việt Nam có khả năng thúc đẩy các chính sách tài khóa mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bất chấp những rủi ro từ bên ngoài. Minh chứng là GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm đã tăng trưởng ấn tượng 7,52%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Đóng góp đáng kể vào kết quả này là sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu công và giải ngân đầu tư công, đặc biệt đầu tư công đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm 2024. Theo JP Morgan, đây là một điểm khác biệt quan trọng so với các quốc gia ASEAN khác, nơi dư địa tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng còn hạn chế.
Một yếu tố thuận lợi khác cho thị trường chứng khoán Việt Nam là sự suy yếu của đồng USD, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa chính sách. Bên cạnh đó, vị thế đầu tư nước ngoài còn thấp, với khoảng 1,3 tỷ USD trên tổng số 2,3 tỷ USD vốn rút ròng kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ, cho thấy tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại trở lại khi thỏa thuận thương mại Việt – Mỹ có hiệu lực.
Mặc dù đánh giá giai đoạn bi quan nhất đã qua, JP Morgan vẫn lưu ý rằng còn quá sớm để kỳ vọng vào sự phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp. Các chính sách tiền tệ cần thời gian để tác động đến tâm lý người tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Ngoài ra, việc tận dụng cơ hội xuất khẩu trong nửa đầu năm và rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu với xác suất 40% vẫn là những yếu tố có thể gây bất lợi cho thị trường trong nửa cuối năm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất và xuất khẩu như Việt Nam. Do đó, JP Morgan khuyến nghị nhà đầu tư nên tăng tỷ trọng các cổ phiếu đại diện cho nhu cầu nội địa, bao gồm các ngành như ngân hàng, công nghiệp và hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Về dài hạn, JP Morgan đánh giá cao việc Việt Nam dự kiến cho phép nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch vào tháng 11/2024 và nâng cấp hệ thống giao dịch. Điều này làm tăng khả năng Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong kỳ rà soát tháng 9/2025. Theo báo cáo, việc nâng hạng có thể thu hút dòng vốn thụ động hơn 500 triệu USD vào thị trường và cải thiện đáng kể tâm lý nhà đầu tư.
Admin
Nguồn: VnExpress