‘Mẹ học hết lớp 8 vẫn có tiền tỷ, sao ép con học giỏi’

“Mẹ chỉ học hết lớp 8 mà vẫn xây nhà, mua xe, có cả tỷ đồng. Vậy tại sao mẹ cứ ép con học giỏi cho mệt?” Câu hỏi bất ngờ của cậu con trai 15 tuổi đã khiến người mẹ, một chủ vựa trái cây cạnh nhà tôi, rơi vào thế bí. Hóa ra, cuộc đời bươn chải của chị lại trở thành lý do khiến con trai nghi ngờ giá trị của việc học.

Cậu con trai 15 tuổi ấy thường xuyên lấy chiếc xe SH của bố để đi cà phê với bạn bè mỗi tối. Mỗi lần con vừa về đến nhà, chị lại cằn nhằn chuyện con ham chơi, không chịu học hành trong hè. Những cuộc cãi vã giữa hai mẹ con diễn ra thường xuyên, đến nỗi tôi ở nhà bên cạnh cũng nghe thấy.

Nhiều bậc cha mẹ xuất thân lao động phổ thông, bằng sự nỗ lực phi thường, đã tạo dựng được một cuộc sống sung túc. Nhưng chính sự thành công mà không cần đến bằng cấp ấy, vô tình gieo vào đầu con cái một nhận thức lệch lạc: học hay không học cũng vậy, miễn là có tiền.

Trong mắt con trẻ, một người không có bằng cấp mà vẫn kiếm được vài chục triệu mỗi tháng rõ ràng là một minh chứng sống động và thuyết phục hơn những lời thầy cô giảng giải trên lớp. Các em không nhận ra rằng, đằng sau mỗi đồng tiền ấy là bao nhiêu đêm thức khuya dậy sớm, là sự bấp bênh không hợp đồng, không bảo hiểm, và không có một tương lai rõ ràng.

Tôi cũng nhận thấy, không ít phụ huynh còn khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi thẳng thừng tuyên bố: “Không học thì về phụ mẹ buôn bán”, hoặc “Thôi học làm gì, mẹ cho vốn làm ăn là đủ sống rồi”.

Thêm vào đó là tâm lý nặng nề về thành tích, biến việc học trở thành một gánh nặng thay vì một hành trình khám phá. Khi một đứa trẻ học chỉ để làm hài lòng cha mẹ, chứ không thực sự hiểu vì sao mình phải học, thì mọi sự ép buộc đều dễ dẫn đến sự phản kháng. Và khi có một tấm gương thành công mà không cần học giỏi ngay trong gia đình, sự phản kháng ấy càng trở nên có cơ sở.

Thật khó trách những đứa trẻ khi chúng hoài nghi về giá trị của việc học hành, nếu chính người lớn chưa từng giải thích một cách nghiêm túc, hoặc chưa bao giờ cho chúng thấy được những giá trị thực sự mà việc học mang lại.

Tôi tin rằng, chị chủ vựa trái cây, sau mỗi lần mắng con trai vì ham chơi, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Giá như chị có thể kiên nhẫn giải thích cho con hiểu, việc học không phải để giàu có ngay lập tức, mà để không bị tụt hậu trong một thế giới luôn biến đổi. Chẳng hạn, chị có thể nói: “Thời buổi bây giờ kiếm tiền khó khăn hơn nhiều, nếu mẹ chỉ học hết lớp 8 rồi đi buôn bán từ sớm, thì sẽ không thể có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Con cố gắng học hành nhé!”. Nếu vậy, có lẽ câu chuyện đã khác đi rất nhiều.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *