Phòng ngừa ung thư: Tác nhân gây bệnh và vaccine hiệu quả

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), ung thư đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cướp đi sinh mạng của khoảng 10 triệu người mỗi năm. Tại Việt Nam, ung thư cũng là một gánh nặng lớn cho xã hội với 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong trong năm 2022.

Người lớn tiêm vaccine phòng các bệnh ung thư do virus HPV này gây ra. Ảnh: Diệu Thuần
Vaccine HPV: Phòng ngừa ung thư cho người lớn hiệu quả. Ảnh: Internet

BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh như không hút thuốc, ăn uống khoa học, tăng cường vận động thể chất, tiêm vaccine là một biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các tác nhân gây ra một số bệnh ung thư nguy hiểm.

**Ung thư gan: Căn bệnh diễn tiến âm thầm**

Ung thư gan là một trong những loại ung thư có số ca mắc và tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam, đáng lo ngại là có nhiều ca bệnh ở độ tuổi dưới 30. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, các triệu chứng như vàng mắt, vàng da, nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng vùng gan, chán ăn… thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn. Đa số bệnh nhân đến khám khi bệnh đã tiến triển nặng, thời gian sống trung bình không quá một năm. Theo thống kê, có đến 60% bệnh nhân đến viện khi đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tỷ lệ phát hiện bệnh sớm còn rất thấp.

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư gan như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ô nhiễm môi trường sống, thức khuya, lười vận động. Tuy nhiên, tác nhân chủ yếu gây bệnh là virus viêm gan B và C, chiếm khoảng 80% các ca ung thư gan.

**Ung thư cổ tử cung: Hiểm họa thường gặp ở phụ nữ**

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý phổ biến ở phụ nữ. Theo Globocan 2022, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 6.200 ca mắc mới và hơn 2.500 ca tử vong do căn bệnh này. Tương tự như ung thư gan, ung thư cổ tử cung thường diễn tiến âm thầm. Ở giai đoạn đầu, bệnh rất khó phát hiện do tế bào ung thư chưa nhân lên nhiều và khối u còn nhỏ, chưa gây ra các triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp có thể có dấu hiệu nhưng dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác, ví dụ như chảy máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt, đau khi quan hệ tình dục, dịch tiết âm đạo có mùi, đau vùng xương chậu. Do đó, nhiều người bệnh chỉ đi khám và tầm soát ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị, tốn kém chi phí và làm tăng nguy cơ tử vong.

Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Trong đó, có 8 type HPV nguy cơ cao thường gặp là 16, 18, 45, 33, 51, 58, 31, 52 và 35, chúng chịu trách nhiệm cho khoảng 96,1% các ca ung thư cổ tử cung.

**Ung thư vùng hầu họng và hốc mũi: Dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường**

Các bác sĩ phẫu thuật cho một trường hợp mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Phẫu thuật ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh: Internet

Virus HPV không chỉ gây ung thư cổ tử cung mà còn liên quan đến khoảng 60-70% các ca ung thư vùng hầu họng. Đây là một bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao tại Việt Nam, chiếm khoảng 12% dân số. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh như khó nuốt, đau họng, khàn giọng, ù tai, ho kéo dài, đau tai, nổi hạch ở cổ… thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác, dẫn đến việc phát hiện muộn, gây khó khăn cho việc điều trị và làm tăng tỷ lệ tử vong.

Ung thư hốc mũi (u hốc mũi) là một khối u hình thành bên trong khoang mũi hoặc các xoang cạnh mũi, thường gặp ở nam giới. Bệnh gây ra các triệu chứng như thường xuyên bị tắc một bên mũi, giảm khứu giác, nghẹt mũi, chảy chất nhầy từ mũi… Những triệu chứng này cũng dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh hoặc viêm xoang thông thường, khiến nhiều người bỏ qua và dẫn đến phát hiện muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. Theo các chuyên gia, ngoài các tác nhân như hút thuốc, ô nhiễm không khí, hít phải hóa chất, bụi gỗ, có khoảng 30% trường hợp mắc ung thư hốc mũi và xoang cạnh mũi là do nhiễm virus HPV.

Ngoài ra, virus HPV còn gây ra ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư dương vật và bệnh sùi mào gà, những bệnh có tỷ lệ mắc và lây nhiễm cao trong cộng đồng.

**Các loại vaccine giúp phòng ngừa ung thư**

Tiêm vaccine là một trong những chiến lược hiệu quả để phòng ngừa ung thư gan và các bệnh do virus viêm gan gây ra. Hiện nay, viêm gan C chưa có vaccine phòng ngừa, nhưng viêm gan B đã có vaccine, tiêu biểu như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 cho trẻ em; Heberbiovac HB (Cu Ba), Gene Hbvax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A và B dành cho trẻ em và người lớn.

Đối với người lớn, cần xét nghiệm viêm gan B trước khi tiêm nhắc lại, và chỉ tiêm nhắc lại khi kháng thể giảm. Trẻ em cần được tiêm ngừa trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó theo sát lịch tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc vaccine 6 trong 1.

Đối với virus HPV, hiện Việt Nam có hai loại vaccine là Gardasil và Gardasil 9. Vaccine Gardasil phòng được 4 type HPV 6, 11, 16, 18 và được chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9-26 tuổi. Vaccine Gardasil 9 phòng ngừa 9 type HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58, được chỉ định tiêm cho cả nam và nữ từ 9-45 tuổi, với hiệu quả bảo vệ lên đến trên 90%. Đối với nhóm 9-14 tuổi, lịch tiêm là hai mũi cách nhau tối thiểu 6 tháng. Người từ 15-45 tuổi cần tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Trong trường hợp quên hoặc trễ lịch tiêm, không cần tiêm lại từ đầu mà chỉ cần tiếp tục tiêm theo liệu trình phù hợp.

Bên cạnh việc tiêm vaccine, để phòng tránh các bệnh ung thư, mỗi người cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn và tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *