Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm ở nhiều quốc gia, làm dấy lên lo ngại về “khủng hoảng dân số”, đồng thời dân số toàn cầu vượt mốc 8 tỷ, kỷ lục trong lịch sử, lại xuất hiện những cảnh báo về “bùng nổ dân số”. Hai luồng ý kiến trái ngược này đang tạo ra những tranh luận gay gắt về cách các quốc gia nên ứng phó với những biến động nhân khẩu học.
Từ những lời kêu gọi trên các phương tiện truyền thông đến áp lực vô hình từ gia đình và xã hội, cùng với các chính sách khuyến khích sinh con bằng tiền thưởng, tất cả đều truyền tải một thông điệp: phụ nữ “nên” sinh con. Tuy nhiên, những thông điệp này thường bỏ qua hoặc không đề cập đầy đủ đến yếu tố quan trọng nhất: quyền tự do lựa chọn sinh sản của mỗi người và vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ họ thực hiện quyền đó.
Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới 2024 của UNFPA cho thấy một bức tranh khác: phần lớn mọi người vẫn mong muốn có con, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất. Tuy nhiên, cứ 5 người trưởng thành dưới 50 tuổi thì có 1 người cho biết họ có thể không đạt được số con mong muốn. Trong số những người đã hoàn thành việc sinh con, một phần ba cho biết họ có ít con hơn dự kiến ban đầu.
Vậy nguyên nhân là do đâu? Không phải vì họ không muốn có con, mà vì những áp lực kinh tế – xã hội khiến mong muốn đó trở nên khó thực hiện: giá nhà ở đắt đỏ, thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em, công việc bấp bênh, bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, khó tìm được bạn đời phù hợp và những lo ngại về xung đột, biến đổi khí hậu. Tất cả những yếu tố này khiến việc làm cha mẹ trở nên quá khó khăn đối với nhiều người.
Trong khi các cuộc tranh luận công khai thường tập trung vào câu hỏi: “Làm thế nào để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con?”, thì câu hỏi cần đặt ra phải là: “Những rào cản nào đang ngăn cản các cá nhân và cặp đôi có được số con mong muốn, và làm thế nào để loại bỏ những rào cản đó?”.

Lịch sử đã chứng minh rằng các chính sách can thiệp vào quyền sinh sản, từ ép buộc đến khuyến khích bằng tiền, thường không hiệu quả. Những chính sách này ít nhiều phản ánh tư duy áp đặt hoặc coi dân số như một công cụ của nhà nước thay vì tôn trọng quyền của mỗi cá nhân. Không chỉ không hiệu quả, chúng còn có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực như tăng tỷ lệ tử vong mẹ, gia tăng vô sinh thứ phát do phá thai không an toàn và cản trở bình đẳng giới.
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng khi người dân cảm thấy lựa chọn sinh sản của họ bị can thiệp, dù là thông qua các chính sách tinh tế, khéo léo hoặc khó nhận thấy, họ càng ít muốn có con hơn.
Báo cáo của UNFPA khảo sát 14.000 người tại 14 quốc gia, chiếm hơn một phần ba dân số toàn cầu. Kết quả cho thấy, thay vì đưa ra những khẩu hiệu mang tính ép buộc hay tiền thưởng, các quốc gia cần những chính sách thiết thực, tập trung vào nhu cầu thực tế và lấy con người làm trung tâm: chế độ nghỉ thai sản cho tất cả các bậc cha mẹ, dịch vụ trông trẻ với chi phí hợp lý, công việc ổn định, nhà ở phù hợp và sự bình đẳng trong việc chăm sóc con cái. Điều này cũng bao gồm giáo dục giới tính toàn diện theo độ tuổi, hỗ trợ người vô sinh và đảm bảo quyền làm cha mẹ cho các cặp đôi LGBTQI+.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng một phần ba số người tham gia khảo sát từng trải qua mang thai ngoài ý muốn do thiếu thông tin, thiếu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hoặc do áp lực từ người thân. Mang thai ngoài ý muốn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng y tế, căng thẳng tâm lý và những tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh.
Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua những thay đổi sâu sắc về cơ cấu dân số. Tỷ suất sinh đã giảm từ mức trung bình 5 con/phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 1,91 vào năm 2024.
Do lựa chọn sinh sản của cá nhân luôn bị ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế – xã hội rộng lớn hơn, như chuẩn mực giới, hôn nhân, chăm sóc không lương, phân công lao động trong gia đình, các chính sách ứng phó với biến động dân số cần vượt ra ngoài các giải pháp nhân khẩu học thuần túy.
Việt Nam cần tập trung xóa bỏ những rào cản cơ cấu đang cản trở quyền sinh sản của người dân, như chi phí nuôi con, bất bình đẳng trong công việc và gánh nặng việc nhà, đồng thời đầu tư vào nguồn nhân lực và chất lượng dân số để tận dụng cơ hội dân số vàng.
Từ khảo sát toàn cầu của UNFPA, điều mọi người mong muốn là: quyền được quyết định việc có con hay không, khi nào và bao nhiêu con; một thế giới nơi phụ nữ không bị phán xét khi họ lựa chọn sinh ít con hoặc không sinh con; những chính sách hỗ trợ bình đẳng giới; một môi trường kinh tế – xã hội trao quyền cho người dân để xây dựng gia đình theo cách họ mong muốn; một thế giới nơi người trẻ tin rằng con cái của họ sẽ được sống trong hòa bình và nhân phẩm; một thế giới nơi mọi người, kể cả người độc thân, người đồng tính, người khuyết tật và người di cư, đều được tôn trọng quyền làm cha mẹ.
Quyền sinh sản không phải là “chuyện riêng của phụ nữ” mà là quyền con người. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy quyền tự quyết về sinh sản này.
Admin
Nguồn: VnExpress