Đức Tùng, một chàng trai Hà Nội, đã trải qua mối tình sâu đậm với một cô sinh viên. Trong suốt bốn năm yêu nhau, anh không ngại làm hai, ba công việc cùng lúc chỉ để đáp ứng những nhu cầu vật chất của bạn gái. Từ học phí, điện thoại đời mới, xe máy đến những chuyến du lịch và mỹ phẩm, mọi thứ cô cần đều do anh chu cấp. Gần như toàn bộ thu nhập hàng tháng của Tùng đều được chuyển cho bạn gái, anh chỉ giữ lại một phần nhỏ cho bản thân. Mỗi khi người yêu không hài lòng hay giận dỗi, anh lại cuống cuồng tìm mọi cách để dỗ dành.
Bạn bè xung quanh xót xa cho Tùng và khuyên anh nên tỉnh táo, đừng quá lụy vào một cô gái “đào mỏ”. Tuy nhiên, Tùng bỏ ngoài tai mọi lời khuyên. Anh luôn tin rằng “Bây giờ yêu, mai kia là vợ mình, có đi đâu mà thiệt”.
Thế nhưng, ngày cô gái tốt nghiệp cũng là ngày Tùng nhận lời chia tay. “Bây giờ anh vẫn còn nghèo, không thể lo được cho em. Nếu thương em thì hãy để em đi tìm một cuộc sống tốt hơn”, cô gái nói.
Tùng gần như suy sụp hoàn toàn. Anh cảm thấy như rơi xuống một hố sâu không đáy và không còn thiết tha kêu cứu. “Tôi chỉ ước có ai đó lấp đất lại để tôi chết luôn đi”, anh tuyệt vọng.
Một trường hợp khác là Thu Hà, 34 tuổi, sống tại Hà Nội. Cô khiến gia đình và bạn bè bất lực vì không thể giúp cô “sáng mắt” trước người chồng tệ bạc. Dù biết rõ chồng mình là một người không ra gì, cô vẫn không thể dứt ra được. Có lần, khi chồng gọi điện giục cô vay tiền mang đến khách sạn gấp để lo “chuyện công việc”, Hà vội vã chạy đến và bắt gặp anh ta đang thân mật với một cô gái lạ. Dù vậy, cô vẫn cố gắng không tin rằng chồng mình ngoại tình.

Nhìn lại 5 năm yêu và 3 năm chung sống, Hà nhận ra mình đã sống như một người hầu cho chồng. “Tất cả tiền đi làm, của hồi môn bố mẹ cho, tôi dồn hết cho anh kinh doanh. Khi anh vỡ nợ, tôi đứng ra vay tiền để trả nợ”, cô kể lại.
Những khi chồng đi biền biệt cả tháng trời, nhắn tin lạnh nhạt, Hà vẫn tự an ủi mình rằng “Chắc anh đang bận lo cho sự nghiệp”. Nhiều lần bắt gặp những tin nhắn tình cảm mùi mẫn anh gửi cho người khác, cô khóc lóc chất vấn. Nhưng chỉ cần vài lời giải thích và một cái ôm, lòng cô lại dịu lại.
Đến ngày chồng công khai ngoại tình, Hà vẫn không đủ can đảm để buông tay. “Tôi sợ mất anh thì cuộc đời tôi không còn ý nghĩa gì nữa”, cô tâm sự. Khi chồng đề nghị ly hôn, cô tha thiết van xin, hứa sẽ không ghen tuông hay giận dỗi. “Cũng có lần tôi định phản kháng, định đánh ghen cho ra nhẽ. Nhưng khi anh dọa bỏ, tôi lại sợ hãi và im lặng”, Hà kể.
Trong tâm lý học, những người như Đức Tùng và Thu Hà được xếp vào nhóm “lụy tình”. Họ bị đối phương thao túng, lạm dụng cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn cố chấp bám víu vào mối quan hệ. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP.HCM) nhận định: “Họ yêu đến mức hủy hoại bản thân, đánh mất chính mình”.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho rằng những người này có thể đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Lụy tình không phải là bản năng yêu đương, mà là dấu hiệu của một tổn thương tâm lý sâu sắc”, bà nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hồng Thu, những người thiếu kỹ năng sống, có lòng tự trọng thấp và bị cô lập xã hội là những đối tượng dễ bị “nghiện cảm xúc”. Họ không chỉ kỳ vọng quá mức vào người yêu mà còn giao cả giá trị bản thân cho người đó định đoạt. Khi bị bỏ rơi, họ sẽ sụp đổ hoàn toàn, giống như người vừa mất phương hướng, mất chỗ dựa và mất cả chính mình.
Họ yêu một cách mù quáng, bị lợi dụng vẫn tìm cách biện hộ, bị phản bội vẫn cố gắng níu kéo. Khi tình cảm tan vỡ, họ không còn gì để bám víu, dẫn đến suy sụp toàn diện về tinh thần, thể chất và cuộc sống.
Tệ hơn nữa, sau khi tan vỡ, họ thường tìm đến những mối quan hệ mới bất ổn chỉ để lấp đầy khoảng trống. Họ không kịp chữa lành vết thương lòng, không hiểu rõ bản thân mình cần gì và lại tiếp tục bị tổn thương. Một vòng xoáy lụy tình, đổ vỡ và tự hủy hoại cứ thế lặp đi lặp lại.
Bác sĩ Hồng Thu dẫn một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành Journal of Affective Disorders (Mỹ) năm 2021, cho thấy những người trải qua cú sốc tình cảm mà không có mạng lưới hỗ trợ xã hội có nguy cơ trầm cảm cao gấp 3 lần so với những người có bạn bè và gia đình đồng hành.
Một nghiên cứu từ Đại học Ohio (Mỹ) cũng chỉ ra rằng những người rơi vào mối quan hệ phụ thuộc cảm xúc cực độ có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp 3 lần so với người bình thường. Không hiếm những trường hợp phải nhập viện vì suy nhược toàn thân, hoảng loạn và có hành vi tự hại chỉ vì bị chia tay.
Dưới góc độ tâm lý, bà Nguyễn Thị Tâm cho rằng hiện tượng lụy tình thường liên quan đến mô hình gắn bó từ thời thơ ấu. Nếu một đứa trẻ từng bị tách khỏi mẹ từ sớm, sống trong sự thiếu thốn tình cảm hoặc không được người nuôi dưỡng đáp ứng đầy đủ nhu cầu cảm xúc, chúng dễ phát triển kiểu gắn bó không an toàn.
Những người này khi lớn lên dễ rơi vào trạng thái yêu như một sự sống còn. Họ bám víu, chiều chuộng người yêu đến mức đánh mất bản thân, thậm chí chấp nhận bị thao túng, bạo hành mà không dám rời bỏ.
Đức Tùng, sau những ngày sống trong tuyệt vọng vì bị người yêu bỏ, đã được bạn thân đưa đến gặp chuyên gia tâm lý. Anh chia sẻ rằng mình sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ đã ly hôn. Từ nhỏ, Tùng sống cùng bố và ông bà nội, nhưng bố anh cũng có gia đình riêng. “Lúc nào tôi cũng như một đứa trẻ sống bên lề tổ ấm của bố. Mẹ thì không hỏi han gì đến tôi”, Tùng kể.
Vì vậy, khi gặp được người yêu và nhận được sự quan tâm, Tùng tin rằng cô ấy sẽ là người lấp đầy những tổn thương trong lòng anh. “Tôi luôn tôn thờ cô ấy”, Tùng nói. Trong suốt bốn năm yêu nhau, anh xem bạn gái như vợ mình, đặt trọn tình yêu và niềm tin vào cô. Do đó, khi bị người yêu bỏ rơi, Tùng đã mất hết sức sống.
Theo bác sĩ Hồng Thu, để thoát khỏi vòng xoáy lụy tình, mỗi người cần bắt đầu từ chính bản thân mình. “Bạn không hề yếu đuối khi yêu ai đó quá nhiều, nhưng bạn sẽ bị tổn thương sâu sắc nếu quên mất chính mình”, bà khuyên.
Bà Tâm cho rằng nhiều người không thể thoát khỏi tình trạng lụy tình cho đến khi cuộc đời đẩy họ vào một biến cố lớn. Như Đức Tùng, sau khi được trị liệu tâm lý, anh mới nhận ra rằng việc mối quan hệ của mình với bạn gái tan vỡ lại là một điều may mắn. “Tôi nhận ra rằng trước đây, khi chưa có cô ấy, tôi vẫn sống tốt, thậm chí còn giàu có và tự do hơn”, anh thức tỉnh.
Thu Hà cũng chia sẻ rằng những tổn thương tình cảm mà cô gặp phải không phải do quá khứ mà do tuổi trẻ dại khờ. Cô từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ chấm dứt nếu không được ở bên người mình yêu. Nhưng khi chồng dứt áo ra đi, để lại cho cô một đống nợ, trải qua những ngày tháng tan nát cõi lòng, đó cũng là lúc cô trở nên mạnh mẽ và độc lập nhất. Tưởng chừng như không thể yêu thêm ai, nhưng cuối cùng cô vẫn tìm thấy tình yêu một lần nữa.
Người chồng hiện tại giúp Hà trở nên tốt đẹp hơn mỗi ngày, yêu thương và nhận ra cả những thay đổi nhỏ nhất trong từng nhịp thở của cô. “Có anh rồi, tôi mới biết hóa ra trước đây mình chưa từng được yêu”, cô tâm sự.
Tuy nhiên, Hà không cố gắng quên đi quá khứ mà chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội để thức tỉnh những cô gái khác. “Muốn yêu ai, trước hết phải yêu bản thân mình trước đã”, cô nhận ra.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Admin
Nguồn: VnExpress