Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 103 về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trong đó đề xuất hai phương án tính tiền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Đáng chú ý, một trong hai phương án là khôi phục lại cách tính tiền sử dụng đất theo tỷ lệ phần trăm như trước đây, bên cạnh phương án giữ nguyên quy định hiện hành là nộp toàn bộ phần chênh lệch giữa giá đất ở và giá đất nông nghiệp theo bảng giá mới.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, việc áp dụng cơ chế tính theo tỷ lệ phần trăm sẽ dành cho các trường hợp chuyển đổi đất vườn, ao nằm trong cùng thửa đất có nhà ở hoặc có nguồn gốc liền kề nhà ở (nhưng bị tách thửa do yếu tố kỹ thuật trước năm 2004). Cụ thể, mức thu sẽ là 30% phần chênh lệch giữa giá đất ở và đất nông nghiệp nếu diện tích chuyển đổi nằm trong hạn mức giao đất ở. Đối với phần diện tích vượt hạn mức, người dân sẽ phải nộp 50% phần chênh lệch.
Bộ Tài chính lý giải rằng, đất vườn, ao liền kề nhà ở thường được xem là “đất dự trữ để ở”, phát sinh khi người dân có nhu cầu tách hộ, xây nhà mới nhưng chưa được công nhận là đất ở. Trước đây, những trường hợp này được áp dụng cơ chế tính tiền ưu đãi, giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đã bãi bỏ quy định này, khiến người dân phải nộp toàn bộ phần chênh lệch, tính trên toàn bộ diện tích chuyển đổi và thời gian sử dụng đất còn lại, không phân biệt nguồn gốc sử dụng đất hay hoàn cảnh cụ thể.
Thực tế, bảng giá đất mới tại nhiều địa phương đã được điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường, dẫn đến việc số tiền sử dụng đất mà người dân phải nộp tăng vọt. Nhiều trường hợp, tiền sử dụng đất sau chuyển mục đích cao gấp nhiều lần so với trước đây, gây khó khăn lớn cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng ven đô thị, nơi nhu cầu tách hộ và hợp thức hóa nhà ở rất cao.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính cho rằng, trong bối cảnh chưa thể sửa đổi ngay luật, việc khôi phục cách tính cũ theo tỷ lệ phần trăm sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm áp lực tài chính cho người dân. Đồng thời, phương án này vẫn bảo đảm được nguyên tắc tài chính đất đai và dễ thực hiện vì đã từng được áp dụng ổn định trong thời gian dài.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế đề xuất chỉ áp dụng cho các trường hợp có đất vườn, ao liền kề hoặc trong cùng thửa đất có nhà ở. Những trường hợp chuyển đổi từ đất nông nghiệp thuần túy như đất trồng trọt, canh tác sang đất ở vẫn phải nộp toàn bộ phần chênh lệch theo bảng giá đất mới, không thuộc diện ưu đãi.

Để có cơ sở đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực tế khi tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng. Kết quả tổng hợp cho thấy, nhiều địa phương đồng tình với phương án áp dụng lại cơ chế tính theo tỷ lệ phần trăm, cho rằng phương án này vừa giảm nghĩa vụ tài chính cho người dân, vừa không ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai.
Hiện nay, Chính phủ đang xem xét các phương án để đưa ra quyết định cuối cùng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung nội dung này vào luật, nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa quy định ở cấp luật và nghị định, đồng thời tạo hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn sử dụng đất của người dân.
Admin
Nguồn: VnExpress