Kết quả điều tra sơ bộ về vụ tai nạn máy bay Boeing 787 của hãng Air India hồi tháng 6 vừa qua, do Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ công bố ngày 11/7, hé lộ một chi tiết bất thường: công tắc điều khiển nhiên liệu vào cả hai động cơ đã bị chuyển từ vị trí “hoạt động” sang “ngắt” chỉ trong vòng một giây, ngay trước khi máy bay bắt đầu giảm tốc độ.

Theo báo cáo, sau khi công tắc bị ngắt, máy bay đã nhanh chóng mất độ cao. Mặc dù công tắc sau đó đã được bật trở lại và động cơ tái khởi động, một phi công đã kịp phát tín hiệu khẩn cấp “Mayday”. Đài kiểm soát không lưu, sau khi liên lạc với tổ bay và nhận thấy máy bay gặp nạn, đã ngay lập tức điều động lực lượng cứu hộ đến hiện trường.
Báo cáo hiện chưa xác định nguyên nhân dẫn đến việc cả hai công tắc nhiên liệu bị tắt. Tuy nhiên, sự cố này cho thấy vai trò then chốt của bộ phận này đối với an toàn bay.
Công tắc nhiên liệu có chức năng kiểm soát van cấp nhiên liệu cho động cơ. Ở trạng thái “hoạt động”, van mở, cho phép nhiên liệu cung cấp cho động cơ hoạt động. Ngược lại, khi công tắc ở trạng thái “ngắt”, nguồn nhiên liệu bị chặn, khiến động cơ ngừng hoạt động.
Phi công thường sử dụng công tắc này để khởi động và tắt động cơ trên mặt đất, hoặc để khởi động lại động cơ trong trường hợp gặp sự cố khi đang bay. Trên máy bay Boeing 787, hai công tắc nhiên liệu được đặt ở vị trí dưới cần ga của phi công.
Cơ trưởng về hưu John Cox, hiện là giám đốc điều hành của công ty tư vấn an toàn hàng không Safety Operating Systems tại Mỹ, nhấn mạnh rằng mỗi công tắc có hệ thống điện và dây dẫn riêng biệt.

Theo ông Cox, việc tổ bay vô tình gạt công tắc từ “hoạt động” sang “ngắt” là rất khó xảy ra, vì cả hai công tắc đều có khung bảo vệ chống gạt nhầm và cơ chế khóa chặn. Để thay đổi trạng thái, phi công phải nắm vào núm công tắc và nhấc lên.
Dữ liệu từ hộp đen cho thấy hai công tắc nhiên liệu trên chiếc máy bay Air India đã lần lượt chuyển sang trạng thái “ngắt” chỉ vài giây sau khi máy bay rời đường băng, khiến động cơ mất lực đẩy. Báo cáo trích dẫn đoạn ghi âm buồng lái, trong đó một phi công hỏi người kia lý do ngắt nhiên liệu, và nhận được câu trả lời phủ nhận.
Chuyên gia an toàn hàng không John Nance khẳng định: “Không phi công nào tỉnh táo lại tắt công tắc nhiên liệu trong chuyến bay, đặc biệt là khi máy bay vừa cất cánh.”
Mặc dù bằng chứng tại hiện trường cho thấy hai công tắc đã được chuyển trở lại trạng thái hoạt động, động cơ máy bay dân dụng thường cần thời gian để phục hồi lực đẩy. Nỗ lực của phi công đã không đủ để ngăn chiếc Boeing 787 mất độ cao và rơi xuống.
Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ cho biết sẽ không đưa ra bất kỳ khuyến cáo nào đối với các hãng khai thác, Boeing hay nhà sản xuất động cơ General Electric, cho thấy vụ việc dường như không liên quan đến lỗi kỹ thuật của máy bay hoặc động cơ.

Chuyến bay AI171 của Air India gặp nạn chỉ vài chục giây sau khi cất cánh từ sân bay Ahmedabad ở bang Gujarat vào chiều ngày 12/6, rơi xuống khu ký túc xá của một trường y gần đó. Trên máy bay có 230 hành khách, bao gồm 169 công dân Ấn Độ, 53 người Anh, 7 người Bồ Đào Nha, 1 người Canada và 12 thành viên tổ bay.
Vụ tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của 260 người, trong đó có 241 người trên máy bay và 19 nạn nhân dưới mặt đất. Chỉ một hành khách người Anh sống sót, và hàng chục người khác dưới mặt đất bị thương.
Hãng hàng không Air India khẳng định chiếc Boeing 787 gặp nạn đã được bảo dưỡng kỹ lưỡng và không có bất kỳ vấn đề nào trước chuyến bay. Đây là vụ tai nạn gây chết người đầu tiên liên quan đến dòng máy bay Boeing 787 kể từ khi được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2011.
Admin
Nguồn: VnExpress