Bàn chân bẹt, tình trạng lòng bàn chân không có hõm cong tự nhiên khi đứng, thường gặp ở trẻ em do cấu trúc xương và dây chằng còn mềm dẻo, dễ biến dạng dưới tác động của trọng lực, yếu tố di truyền hoặc tư thế sai.
Theo BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các phương pháp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu được ưu tiên để cải thiện tình trạng này. Phẫu thuật chỉnh hình thường là lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp khác không hiệu quả. Mục tiêu của phẫu thuật là tái tạo cấu trúc vòm bàn chân, giúp cải thiện dáng đi, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp sau:
Khi điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả: Sau một thời gian dài áp dụng các bài tập vật lý trị liệu, sử dụng giày hoặc đế giày chỉnh hình mà bàn chân vẫn không tự điều chỉnh hoặc các triệu chứng không thuyên giảm.
Bàn chân bẹt cứng: Đây là tình trạng bàn chân không có vòm ngay cả khi không chịu trọng lực hoặc khi nhón gót. Trường hợp này thường phức tạp và ít đáp ứng với điều trị bảo tồn.
Trẻ dưới 7 tuổi không đáp ứng tốt với điều trị nội khoa: Trong những trường hợp đặc biệt như bàn chân bẹt gây đau đớn dữ dội, cản trở sinh hoạt nghiêm trọng và các phương pháp không xâm lấn không hiệu quả, phẫu thuật có thể được xem xét cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi.

Bất thường về gân gót hoặc cấu trúc xương biến dạng nghiêm trọng: Khi bàn chân bẹt đi kèm với các dị tật cấu trúc xương rõ ràng, hoặc dây chằng, gân gót bị co rút, biến dạng quá mức, phẫu thuật là giải pháp tối ưu để chỉnh hình.
Sau phẫu thuật bàn chân bẹt, hầu hết bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc sau một thời gian ngắn theo dõi. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách đi lại bằng nạng, và bàn chân được bó bột để cố định khớp trong khoảng 6 tuần. Trong thời gian này, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế tối đa áp lực lên chân và kê cao chân để giảm sưng đau.
Thông thường, cơn đau sẽ giảm đáng kể sau một tuần phẫu thuật. Bệnh nhân có thể bắt đầu đi lại quãng ngắn với sự hỗ trợ của nạng. Khoảng 5-6 tuần sau phẫu thuật, trẻ có thể bắt đầu các bài tập vật lý trị liệu chuyên biệt để phục hồi, cải thiện thể lực, sự cân bằng, tính linh hoạt và sức mạnh của chân.
Bác sĩ Tiệp khuyến cáo các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tầm soát bàn chân bẹt sớm, đặc biệt trong độ tuổi “vàng” từ 3-6 tuổi, nhất là với trẻ thừa cân hoặc béo phì. Việc phát hiện sớm và điều trị bằng các phương pháp bảo tồn ở giai đoạn này thường mang lại hiệu quả cao, giúp bàn chân tự điều chỉnh và giảm đáng kể nguy cơ phải can thiệp phẫu thuật phức tạp sau này.
Admin
Nguồn: VnExpress