Vụ kiện hy hữu, một trong những vụ đầu tiên thuộc loại này, đã được Tòa án Gia đình Brighton thụ lý vào ngày 12/7 vừa qua, xoay quanh tranh chấp về chi phí phẫu thuật chuyển giới trong quá trình ly hôn. Nguyên đơn là người vợ 60 tuổi và bị đơn là người chồng 58 tuổi, danh tính được giữ kín vì lý do pháp lý.
Cặp đôi gặp gỡ và làm việc cùng nhau trong lĩnh vực tài chính tại London vào cuối những năm 1990, sau đó kết hôn vào năm 2002. Thời điểm đó, người chồng vẫn sống với giới tính nam.
Trong quá trình chung sống, họ đã di chuyển qua nhiều quốc gia trên nhiều châu lục, tích lũy khối tài sản chung trị giá 3 triệu bảng Anh và sở hữu nhiều bất động sản. Hai người có hai con chung, đều được học tại trường tư thục và hiện đang học đại học.
Năm 2022, người chồng thông báo với vợ về “ý định” chuyển đổi giới tính thành nữ và bắt đầu liệu pháp hormone. Chỉ hai tháng sau, người vợ đã đệ đơn ly hôn và hai người sống ly thân từ đó.
Đến năm 2024, người chồng đã trải qua phẫu thuật chuyển giới với chi phí lên đến 160.000 bảng Anh, được thanh toán từ tài sản chung của cả hai.
Trong khi người chồng tuyên bố không đủ khả năng chi trả tiền cấp dưỡng cho vợ con theo phán quyết của tòa, ông lại chi tiêu mạnh tay, lên đến 14.000 bảng Anh chỉ trong một tháng cho các khoản như quần áo, làm móng, trang sức và ăn uống tại nhà hàng. Ngoài ra, ông còn chi 13.000 bảng cho hình xăm và 1.000 bảng cho một bữa ăn tại nhà hàng ở Milan.
Trọng tâm của vụ tranh chấp pháp lý gay gắt này là việc liệu chi phí phẫu thuật chuyển giới có nên được chia đôi hay không. Vụ việc đã khiến cả hai bên tiêu tốn gần một triệu bảng Anh cho phí luật sư.
Người vợ cho rằng quyết định chuyển đổi giới tính và phẫu thuật chuyển giới của chồng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hôn nhân. Bà cho rằng việc phải trả một nửa chi phí từ tài sản chung là không công bằng.
Ngược lại, người chồng lập luận rằng vợ đã biết ông là người chuyển giới từ trước, do đó bà cần chia sẻ chi phí này “như bất kỳ chi phí y tế nào khác”, vốn thường được chi trả từ tài sản chung.
Người vợ khẳng định bà không hề biết chồng là người chuyển giới cho đến khi cuộc hôn nhân đi đến hồi kết. Bà bày tỏ sự “đau lòng và bất ngờ” khi biết chồng muốn sử dụng hormone chuyển giới và cho rằng phẫu thuật là lựa chọn cá nhân của chồng, do đó chi phí phải được chi trả từ tài sản riêng của ông.
Người chồng phản bác: “Cô kết hôn với một người chuyển giới. Cô sống với một người chuyển giới. Cô được hưởng lợi từ một người chuyển giới. Giờ người ta ở thế ngàn cân treo sợi tóc, cô cần ủng hộ”. Ông so sánh việc vợ từ chối chia sẻ chi phí giống như việc ngăn cản một người bị ung thư phẫu thuật.
Trong phán quyết của mình, thẩm phán ghi nhận người chồng đã cung cấp bằng chứng y tế về chứng rối loạn nhận dạng giới tính, gây ra “lo lắng, trầm cảm và đau khổ đáng kể” và việc “phẫu thuật tạo hình âm đạo được coi là bước tiếp theo phù hợp”.

Thẩm phán đồng tình rằng quyết định chuyển giới của người chồng đã ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là người vợ. Ông nhấn mạnh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một trải nghiệm vô cùng khó khăn và gây tổn thương về mặt cảm xúc đối với người chuyển giới, nhưng sự thiếu đồng cảm với người vợ là rất đáng lưu tâm”. Tuy nhiên, thẩm phán cho biết sẽ không xem xét lý do hôn nhân tan vỡ trong quá trình giải quyết tài sản.
Thẩm phán lưu ý rằng phẫu thuật chuyển giới không phải là một quyết định bốc đồng, xét đến những nỗ lực và thời gian mà người chồng đã đầu tư vào quá trình này. Do đó, ông phán quyết rằng việc sử dụng tiền từ “nguồn lực chung” là “hợp lý”, vì đây là một nhu cầu thực sự, không phải là một quyết định nhất thời. Tòa tuyên người vợ có nghĩa vụ chia sẻ một nửa chi phí phẫu thuật, tương đương 80.000 bảng Anh, từ tài sản chung.
Người chuyển giới là người có bản dạng giới (giới tính họ cảm nhận về bản thân) không trùng khớp với giới tính được chỉ định khi sinh ra. Họ có thể lựa chọn hoặc không lựa chọn phẫu thuật chuyển giới hay sử dụng liệu pháp hormone. Việc chuyển giới là một phần trong hành trình sống thật với bản dạng giới của mỗi người.
Admin
Nguồn: VnExpress