Năm 2025 chứng kiến một kỷ lục đáng lo ngại tại Mỹ khi số ca mắc sởi tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2000, thời điểm quốc gia này tuyên bố đã loại trừ được bệnh sởi. Cùng lúc đó, dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ nhỏ đang giảm mạnh tại hơn 30 bang đối với các loại vaccine quan trọng như sởi, quai bị, rubella (MMR), thủy đậu, bại liệt và ho gà.
Theo Tiến sĩ Leana Wen, Phó giáo sư tại Đại học George Washington, sự sụt giảm đáng báo động trong tỷ lệ tiêm chủng có thể dẫn đến sự tái xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà trước đây đã được khống chế. Bà Wen dẫn chứng các quốc gia có chiến tranh, nơi chương trình tiêm chủng bị gián đoạn, đã chứng kiến sự quay trở lại của bệnh bại liệt. Tương tự, bệnh sởi cũng tái bùng phát ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Jama ngày 24/4 vừa qua đã đưa ra những dự báo đáng lo ngại. Nghiên cứu này cho thấy nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine MMR giảm 10%, số ca nhiễm sởi có thể tăng thêm hơn 11 triệu ca trong vòng 25 năm tới tại Mỹ. Thậm chí, nếu tỷ lệ tiêm chủng định kỳ ở trẻ em giảm đến 50%, con số này có thể lên tới 51 triệu ca sởi, 9,9 triệu ca rubella và 4,3 triệu ca bại liệt.
Nghiên cứu trên cũng dự báo những hậu quả nặng nề về số lượng người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Khoảng 10,3 triệu người Mỹ có thể phải nhập viện, 159.200 ca tử vong, 5.400 người bị liệt do bại liệt và 51.200 người có thể phải gánh chịu di chứng thần kinh do sởi.
Tiến sĩ Wen giải thích rằng ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng có lý do để lo ngại về tình trạng tỷ lệ tiêm vaccine sụt giảm. Thứ nhất, không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ tuyệt đối 100%. Ví dụ, vaccine MMR có hiệu quả phòng bệnh sởi cao nhất là 97% sau hai liều, nghĩa là vẫn còn một tỷ lệ nhỏ nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, tiêm vaccine vẫn là biện pháp được khuyến khích vì giúp giảm đáng kể số ca nhiễm và nguy cơ bệnh trở nặng.
Thứ hai, hiệu quả của vaccine có thể suy giảm theo thời gian. CDC cho biết khả năng miễn dịch với bệnh ho gà bắt đầu giảm sau vài năm tiêm chủng. Do đó, những người đã tiêm chủng từ nhỏ nhưng không tiêm nhắc lại khi lớn vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Thứ ba, một số người không thể tiêm chủng do mắc các bệnh lý đặc biệt. Ví dụ, những người có hệ miễn dịch yếu không được tiêm vaccine MMR, hoặc một số bệnh lý khác có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Những đối tượng này hoàn toàn phụ thuộc vào sự chung tay của cộng đồng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Khi miễn dịch cộng đồng suy yếu, trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trẻ sơ sinh chưa đủ tuổi để tiêm vaccine, và ngay cả một cơn cảm nhẹ cũng có thể khiến các em phải nhập viện. Những người bị suy giảm miễn dịch, như bệnh nhân ung thư, người ghép tạng hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ rất cao trở nặng khi mắc bệnh. Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền, do đó việc điều trị cũng trở nên khó khăn hơn.
Tiến sĩ Wen khuyến cáo mọi người nên tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine được khuyến nghị. Nếu đủ điều kiện tiêm liều tăng cường, người dân nên cân nhắc tiêm phòng và thực hiện thêm các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
“Toàn bộ khái niệm miễn dịch cộng đồng dựa trên việc chúng ta cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là những người có nguy cơ trở nặng và tử vong”, Tiến sĩ Wen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi cá nhân đóng góp vào việc xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn.
Admin
Nguồn: VnExpress